Dòng tiền tham gia khá yếu với mỗi phiên thanh khoản trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng nhưng đủ để giúp VN-Index duy trì đà tăng nhẹ trong 5 phiên liên tiếp và đã thử thách thành công mốc 1.150 điểm.
Tuy nhiên, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã kết phiên hôm qua ngày 12/10 hình thành nến đỏ do áp lực bán xuất hiện ngay khi chỉ số chung tiếp cận vùng kháng cự 1.160 điểm. Trong khi đó, hai chỉ báo MACD và RSI đều đang bẻ ngang, cho thấy lực cầu chủ động đang yếu dần đi và khó có thể giúp thị trường có được nhịp tăng mạnh ngay trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh xu hướng thị trường chưa thay đổi và đang vận động để tìm vùng cân bằng mới, ảnh hưởng từ thị trường quốc tế khi số liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Hai con số này đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, lần lượt ở mức 0,3% và 3,6%. Các chỉ số chứng khoán quốc tế như chỉ số S&P 500, chỉ số Nasdaq, hay tại châu Á với Nikkei, KOSPI, Hang Seng… đều giảm điểm.
Không nằm ngoài xu hướng chung, diễn biến thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 13/10 cũng không mấy tích cực.
Áp lực bán gia tăng ngay khi mở cửa khiến thị trường đảo chiều giảm điểm sau 5 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, lực bán tháo chưa xảy ra và dù số mã giảm điểm trên bảng điện tử đang gấp tới gần 4 lần số mã tăng, nhưng chỉ số VN-Index khá cầm chừng với mức giảm chỉ loanh quanh 5 điểm.
Đồng thời, các nhóm ngành trên thị trường cũng biến động trong biên độ hẹp. Trong đó, nhóm chứng khoán cùng nhịp đập thị trường, đang dẫn đầu đà giảm nhưng chỉ mất gần 1%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí và dệt may đang là điểm sáng, ngược dòng thị trường chung thành công. Sau khoảng 80 phút giao dịch, các cổ phiếu dầu khí với PVS tăng 2,56%, PVD tăng 1,43%, PVC tăng gần 2%... ; các cổ phiếu dệt may có GMC tăng 2,4%, TCM tăng 1%, TNG tăng 1,9%, GIL tăng 2,74%, VGT tăng 1,55%...
Trong khi lực cầu tham gia khá yếu, áp lực bán tiếp tục đẩy mạnh khiến VN-Index càng lùi sâu hơn về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 70 mã tăng và có tới 383 mã giảm, VN-Index giảm 9,42 điểm (-0,82%) xuống 1.142,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 265 triệu đơn vị, giá trị 5.784,71 đồng, giảm 15,42% về khối lượng và 16,78% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,59 triệu đơn vị, giá trị 249,77 tỷ đồng.
Nhóm VN30 nới rộng biên độ khi chốt phiên giảm gần 9,5 điểm với 21 mã giảm và chỉ còn 6 mã tăng. Trong đó, duy nhất MWG tăng 1%, còn lại VJC, VNM, MBB, BID, VCB tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, các mã BCM, HPG và VIB giảm mạnh nhất khi để mất hơn 2%. Trong đó, HPG là gánh nặng chính khi lấy đi gần 0,8 điểm của chỉ số chung. Ngoài ra, các mã lớn khác như VHM, GAS, VIC, CTG và VPB cùng lấy hơn 0,5 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, sắc đỏ cũng bao phủ gần hết, ngoại trừ chỉ còn bán lẻ, vận tải – kho bãi, khai khoáng giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng chưa tới 0,5%.
Nhóm chứng khoán vẫn giảm mạnh nhất thị trường khi sắc đỏ trùm kín toàn ngành, chỉ còn duy nhất TVB đứng giá tham chiếu. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu gồm VIX, VND và SSI vẫn là các mã có thanh khoản tốt nhất. Cụ thể, VIX giảm 3,8% và khớp 11,86 triệu đơn vị, VND giảm 2,5% và khớp 10,33 triệu đơn vị, SSI giảm 1,5% và khớp xấp xỉ 9 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí và dệt may cũng đuối sức. Trong nhóm dầu khí, cổ phiếu PVD lùi về mốc tham chiếu trước đà giảm sâu hơn ở cổ phiếu lớn GAS; còn nhóm dệt may có GIL giữ được sắc xanh nhưng còn tăng 1,5%, TCM tăng nhẹ chưa tới 0,5%, trong khi MSH đảo chiều điều chỉnh nhẹ…
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng và lan rộng thị trường khiến HNX-Index lùi sâu.
Chốt phiên, sàn HNX có 36 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,83%) xuống 236,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,564 triệu đơn vị, giá trị 851,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 6 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm sâu, trong đó SHS giảm 2,2% xuống 17.700 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 8,12 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS giảm 2,6%, APS giảm 2,8%, EVS giảm 2,2%...
Dù không giữ được đà tăng mạnh như nửa đầu phiên nhưng các cổ phiếu họ P và dệt may vẫn là điểm tích cực hơn thị trường chung, với PVS tăng 1,8% và khớp lệnh 5,95 triệu đơn vị, PVC đứng giá tham chiếu; trong khi TNG tăng 1,4% và khớp 2,78 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng chung với sắc đỏ bao trùm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,65%) xuống 87,5 điểm với 151 mã giảm và 97 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,62 triệu đơn vị, giá trị 269,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,84 triệu đơn vị, giá trị 8,35 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR rung lắc và chốt phiên tại mốc tham chiếu 20.900 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường UPCoM với 3,98 triệu đơn vị giao dịch thành.
Trong khi đó, điểm sáng là cổ phiếu VGI ngược dòng thị trường chung, chốt phiên tăng 4,9% lên mức 28.100 đồng/CP, thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị.