Giao thông tê liệt
Ngày 13.10, nhiều tuyến phố ở trung tâm TP.Đà Nẵng bị ngập sâu từ 30 - 50 cm vì mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chiều 13.10, các tuyến phố như Nguyễn Văn Linh, Hà Huy Tập, Chu Văn An - Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu… thuộc khu vực Q.Hải Châu và Q.Thanh Khê nước ngập cao từ 30 - 50 cm khiến giao thông ở trung tâm TP.Đà Nẵng bị "tê liệt".
Trước tình hình mưa lớn kéo dài gây ngập lụt ở nhiều khu vực, hôm qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng đã có công điện về công tác ứng phó mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn TP. Ban chỉ huy yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt sẵn sàng phương án sơ tán nhân dân. Các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang. Các lực lượng vũ trang và sở ngành, quận, huyện kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, ngập lụt; từ đó, chủ động có giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn từ khuya 12.10 kéo dài đến hết hôm qua khiến nhiều khu vực ngập lụt, nhiều tuyến đường ngập sâu gần 1 m, có nơi bị chia cắt... Chiều 13.10, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường gồm Nguyễn Lộ Trạch, Hoàng Lanh, Vũ Thắng… (P.Xuân Phú); Nguyễn Cư Trinh (P.An Cựu, TP.Huế) chìm trong biển nước, làm các phương tiện chết máy, lưu thông vất vả. Các vùng trũng như khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, nước ngập sâu gần
1 m, nhấn chìm nhiều xe máy, đồ dùng của người dân và sinh viên. Lực lượng chức năng đã có mặt, hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc, đưa nhiều sinh viên đang mắc kẹt đến nơi an toàn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ chiều 13 - 17.10, trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to và rải rác có giông; trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300 - 500 mm, có nơi trên 700 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 2.
Tương tự, theo UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 13.10, Đài khí tượng thủy văn tỉnh dự báo từ nay đến ngày 17.10, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến rất to; nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty CP thủy điện Đăk Mi, Công ty CP thủy điện Sông Bung, Công ty CP thủy điện A Vương và Công ty CP thủy điện Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước các hồ chứa thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành để đảm bảo dung tích đón lũ. Tuy nhiên, việc vận hành phải đảm bảo yêu cầu không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông, hạ du hồ chứa. Đồng thời, thông tin và thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, địa phương đã sẵn sàng phương án ứng phó. Hiện, huyện tổ chức ứng trực, bố trí lực lượng nếu có tình huống thiên tai phức tạp sẽ sơ tán người dân. Tất cả phương tiện máy móc, vật tư, nhân lực đều được phân công ứng trực trên các tuyến giao thông. UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua cũng khiến các địa phương vùng đồng bằng tại Quảng Trị và các thôn, bản vùng núi Quảng Bình bị chia cắt. Tại tỉnh Quảng Trị, tuyến đường tỉnh lộ 582 đoạn qua xã Hải Định (H.Hải Lăng) có nhiều đoạn bị ngập sâu khoảng 0,25 m, các tuyến đường liên thôn, đường xóm bị ngập sâu khoảng 0,5 m gây chia cắt trong việc đi lại. Trong khi đó, các thôn bản tại các xã biên giới tỉnh Quảng Bình như xã Thượng Trạch (H.Bố Trạch); xã Thượng Hóa, xã Dân Hóa (H.Minh Hóa) có mực nước dâng cao chảy qua các ngầm tràn đã gây chia cắt giao thông vào các thôn bản.
Hiện, chính quyền địa phương đã đặt bảng cảnh báo, khuyến cáo người dân hạn chế qua lại các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Chốt chặn, hướng dẫn không cho phương tiện qua đèo Hải Vân
Chiều 13.10, thông tin từ Văn phòng Quản lý đường bộ III.1 (Khu quản lý đường bộ III), cho hay tại Km 905+600 đèo Hải Vân (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) taluy dương bị sạt lở, khối lượng lớn đất đá tràn xuống mặt đường.
Theo ông Nguyễn Danh Tiến, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ III.1 (Khu quản lý đường bộ III), lực lượng chức năng của văn phòng đã có mặt tại vị trí sạt lở trên đèo Hải Vân để sẵn sàng phối hợp với các đơn vị chức năng khắc phục sạt lở khi ngớt mưa.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng), cho biết khi nhận được thông tin điểm sạt lở trên đèo Hải Vân (địa phận TP.Đà Nẵng) đơn vị đã cắt cử lực lượng tổ chức phân luồng giao thông, cấm người và phương tiện di chuyển qua đèo Hải Vân.
Cụ thể, điểm chốt chặn thứ nhất ở đường Tạ Quang Bửu, điểm chốt tại đường tránh nam hầm Hải Vân và điểm chốt tại chân đèo Hải Vân. Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng tổ chức chốt chặn, hướng dẫn không cho phương tiện lên đèo từ phía bắc đèo Hải Vân (thuộc địa phận TT.Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Xuất hiện vùng áp thấp trên Biển Đông gây mưa giông, lốc xoáy
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay đang xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 10 - 13 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 10,5 - 11,5 độ vĩ bắc; 114,5 - 115,5 độ kinh đông.
Với hình thái thời tiết này, vùng biển phía nam vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan đang có mưa rào và giông.
Dự báo, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng tây - tây bắc. Trong đêm 13.10 và ngày 14.10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và giông mạnh.
Vùng biển phía nam vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam cấp 2; các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng cấp 3; Nghệ An và Quảng Ngãi cấp 1.
Đình Huy