Động thái này diễn ra sau một cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10 của phong trào Hamas khiến hơn 900 người Israel thiệt mạng. Trong các cuộc tấn công đáp trả của quân đội Israel, đã có hơn 800 người ở Gaza thiệt mạng. Các con số thương vong trên vẫn tiếp tục tăng cao trong những ngày sau đó. Ngoài ra, lệnh cắt toàn bộ thực phẩm, điện và nước tới Gaza ngày càng làm tồi tệ hơn tình cảnh của người dân ở đây.
Lịch sử của những cuộc xung đột không hồi kết
Gaza là một dải đất hẹp nằm ở bờ biển Đông Nam Địa Trung Hải, giáp với Israel ở phía Bắc và phía Đông, giáp với Ai Cập ở phía Nam.
Dải đất này đã trở thành một phần của Đế chế Ottoman vào những năm 1500 và sau Thế chiến I, Gaza nằm dưới sự cai quản của Vương quốc Anh cho tới năm 1948. Hơn 750.000 người Palestine đã rời khỏi đây hoặc bị trục xuất sau khi nhà nước Israel thành lập và giao tranh với các lực lượng của Arab.
Mặc dù Israel chưa bao giờ vạch ra biên giới chính thức của nước này nhưng hầu hết cộng đồng quốc tế đều công nhận ranh giới giữa Israel và các nước láng giềng Arab theo thỏa thuận ngừng bắn năm 1949, lần đầu tiên chia Jerusalem thành hai bên Đông - Tây và tạo nên khu Bờ Tây cùng với dải Gaza với tư cách là những thực thể địa chính trị.
Vào đầu thế kỷ 20, làn sóng nhập cư của người Do Thái vào khu vực Palestine nằm dưới sự kiểm soát của Anh - một dải đất nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải, ngày càng tăng. Sự nổi lên của chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu và chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã dẫn đến làn sóng này. Năm 1947, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa người dân Palestine và những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cũng như sau những hệ quả của thảm họa diệt chủng Holocaust, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu chia Palestine thành nhà nước Do Thái và nhà nước Arab, trong khi thành phố Jerusalem nằm dưới sự kiểm soát quốc tế.
Hầu hết các nhóm Do Thái đều ủng hộ kế hoạch trên trong khi thế giới Arab phản đối nó. Giao tranh bạo lực giữa hai bên leo thang và đề xuất của Liên Hợp Quốc chưa bao giờ được thực hiện.
Vào tháng 5/1948, sau khi Anh chấm dứt sự ủy trị và rời khỏi khu vực, các lãnh đạo theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã tuyên bố Israel là một nhà nước. Một nhóm các quốc gia Arab gồm Ai Cập, Iraq, Syria đã phát động cuộc chiến tranh đầu tiên với Israel.
Jordan sáp nhập Đông Jerusalem như một vùng lãnh thổ của mình ở phía Đông trong khi Ai Cập kiểm soát dải đất ven biển ở phía Bắc Bán đảo Sinai, bao gồm cả thành phố Gaza. Nhiều người tị nạn Palestine đã chạy sang các khu vực do Ai Cập và Jordan kiểm soát. Lãnh thổ Jordan kiểm soát sau này thành khu Bờ Tây (của sông Jordan) trong khi Ai Cập kiểm soát khu vực được gọi là "dải Gaza". Israel và các nước Arab đã đạt được các thỏa thuận đình chiến vào năm sau đó.
Năm 1967, trong cuộc chiến tranh 6 ngày, Israel tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Ai Cập và Jordan, giành lại Đông Jerusalem, khu Bờ Tây, dải Gaza và Bán đảo Sinai. Mặc dù Israel đã trả lại Simai cho Ai Cập vào năm 1979 như một phần của thỏa thuận đàm phán hòa bình nhưng nước này vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ còn lại kể từ đó.
Israel chính thức sáp nhập Đông Jerusalem năm 1980 nhưng đã trì hoãn đưa ra tuyên bố chính thức với khu Bờ Tây và dải Gaza. Thay vào đó, nước này tăng cường xây dựng các khu định cư ở cả hai vùng lãnh thổ trên, đồng thời cho rằng tình trạng cuối cùng của chúng sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán tương lai.
Israel kiểm soát dải Gaza 38 năm, xây dựng 21 khu định cư người Do Thái trong khoảng thời gian đó. Căng thẳng và bạo lực kéo dài nhiều năm, trong đó có cuộc xung đột quân sự Intifada đầu tiên kéo dài gần 4 năm với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối, bạo động và ném bom vào các vùng lãnh thổ của Palestine và Israel cũng như tại các vùng Israel kiểm soát của dải Gaza và Bờ Tây. Cuộc xung đột đẫm máu đã khiến Thủ tướng Yitzhak Rabin tuyên bố năm 1992 rằng: "Tôi muốn thấy Gaza chìm xuống biển nhưng điều đó sẽ không xảy ra và một giải pháp phải được tìm ra".
Trong một giai đoạn lạc quan sau khi ký kết Hiệp định Oslo vào giữa những năm 1990, dường như các phần của khu Bờ Tây và dải Gaza một ngày nào đó có lẽ sẽ sáp nhập thành một nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệp định trên không diễn ra như kỳ vọng khi khu vực này bị khuấy đảo bởi các cuộc bạo lực chính trị sau khi Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin bị ám sát cũng như cuộc nổi dậy Intifada lần thứ hai.
Năm 2005, Israel từ bỏ quyền kiểm soát dải Gaza do sức ép trong nước và quốc tế, rút 9.000 người định cư và lực lượng quân sự khỏi khu vực này. Vào năm sau đó, phong trào Hamas đã tham gia bầu cử ở dải Gaza. Năm 2007, Hamas lật đổ Chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo và giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza. Kể từ đó, Gaza không tổ chức bầu cử.
Israel đã phản ứng bằng cách phong tỏa trên không, trên đất liền và trên biển dải Gaza. Trong khi đó, Ai Cập đóng cửa biên giới với Gaza sau khi Hamas nắm quyền năm 2007.
Tình cảnh ngặt nghèo của Gaza
Sau cuộc tấn công với quy mô chưa từng có của phong trào Hamas, Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố "bao vây toàn diện" dải Gaza và cắt tất cả điện, thực phẩm và nhiên liệu cho khu vực này.
Dải Gaza với dân số tập trung đông đúc chủ yếu dựa vào Israel về nước, điện và thực phẩm sẽ đối mặt với tình thế ngày càng khó khăn hơn trước lệnh bao vây trên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết ông cảm thấy "lo ngại sâu sắc" về kế hoạch "bao vây toàn diện dải Gaza". Người dân Palestine đang bị "mắc kẹt và không nhận được sự hỗ trợ", ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi Israel cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp cận khu vực này.
Dải Gaza là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine với 1,7 triệu người trong số đó là người tị nạn, Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cho hay.
Theo UNICEF, khoảng 1 triệu trẻ em sống ở Gaza, tức là gần một nửa người dân khu vực này là trẻ em. Gần 40% dân số dưới 15 tuổi. Vùng lãnh thổ này là một trong những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% dân số ở đây phụ thuộc vào cứu trợ quốc tế để tồn tại và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Bởi vì thành phố Gaza đông dân hơn Tel Aviv và các thành phố lớn khác trên thế giới nên các cuộc tấn công vào đây thường gây ra con số thương vong lớn. Các cuộc xung đột trước đó đã khiến hàng trăm trẻ em thiệt mạng.
Trong cuộc chiến 11 ngày giữa Israel và Hamas năm 2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gọi các điều kiện cho trẻ em ở Dải Gaza là "địa ngục trần gian".
Lệnh phong tỏa Gaza có tác động gì?
Israel cho biết việc phong tỏa Gaza là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân nước này và nó sẽ được dỡ bỏ sau khi Hamas chấm dứt bạo lực cũng như công nhận nhà nước Israel và tuân thủ các thỏa thuận trước đó.
Tuy nhiên, Hamas thường xuyên bác bỏ tối hậu thư này. Thay vào đó, các lực lượng này tăng cường tấn công tên lửa và súng cối vào các khu vực đông dân quanh dải Gaza năm 2008 nhằm gây sức ép buộc Israel dỡ lệnh phong tỏa.
Israel đã tiến hành 4 cuộc tấn công quân sự lớn vào Gaza: năm 2008 - 2009, năm 2012, năm 2014 và 2021 trong nỗ lực phá hủy khả năng quân sự của Hamas. Những cuộc giao tranh này thường kết thúc với một lệnh ngừng bắn mong manh và không có giải pháp thực tế cho cuộc xung đột. Israel tìm cách ngăn Hamas tiến hành phóng tên lửa. Trong khi đó, Hamas và các lực lượng khác cáo buộc dù họ duy trì lệnh ngừng bắn trước đó nhưng Israel vẫn tiếp tục tấn công và từ chối dỡ phong tỏa.
Hamas từng đề xuất một hiệp định đình chiến dài hạn để đối lấy việc Israel chấm dứt phong tỏa dải Gaza. Tuy nhiên, Israel từ chối chấp nhận đề xuất này và kiên định với lập trường Hamas phải chấm dứt bạo lực trước và công nhận nhà nước Israel.
Dường như Hamas quyết định sẽ duy trì tình trạng hiện đại, tiến hành tấn công bất ngờ vào Israel. Trong khi đó, các cuộc không kích đáp trả của Israel và việc áp lệnh "bao vây toàn diện" dải Gaza sẽ khiến tình cảnh của người dân ở khu vực này vốn đã tồi tệ nay càng tồi tệ hơn. Đây thực sự là một thảm kịch cho thấy dân thường mới là bên đang phải oằn mình trước gánh nặng của cuộc xung đột này.
Xem thêm: nhc.528505560410132881-hnit-hnah-tahn-gnouht-uad-av-nad-gnod-tad-gnuv-azag-iad/nv.fefac