vĐồng tin tức tài chính 365

Giải cứu doanh nghiệp như thế nào cho đúng?

2023-10-14 19:44

Đi qua cơn sóng gió hơn hai năm của Covid, cộng với dư địa của việc siết chặt cho vay tín dụng của các tổ chức tài chính và các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã làm cho các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài luôn trong tình trạng khó khăn muôn bề, mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đứng vững lâu thêm được nữa…

Doanh nghiệp trong nước ngắc ngoải chờ đợi các chính sách, cơ chế để giải cứu. Tuy nhiên, tình hình phát triển của doanh nghiệp  cũng không mấy khả quan, bằng chứng là đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa hằng năm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; 48.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2%; 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. 

Doanh nghiệp nước ngoài gặp khó trong việc thu hút thêm vốn đầu tư thêm vào Việt Nam dù đã có tăng hơn so với năm ngoái. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế, an ninh, chiến sự trên thế giới hiện nay, việc mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường cũng gặp nhiều khó khăn bởi các tập đoàn/công ty mẹ ở nước ngoài cũng đang gặp khó khăn chung, dự báo sẽ khó đạt được mức tăng trưởng trong quý IV/2023. 

Nhìn chung là các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự tự tin rằng năm 2023 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2022 và được phát triển trở lại tốt hơn so với giai đoạn trước Covid.

Cái thiếu lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay không chỉ là về công nghệ, nhân lực như trước đây, mà nay là thiếu về nguồn vốn, thiếu thị trường tiêu thụ, rào cản thương mại và đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của khách hàng, đối tác khắp toàn cầu. 

Chính phủ, các Bộ ban ngành chung tay hỗ trợ

Trong hai năm qua, chứng kiến sự nỗ lực của các Bộ Tài chính, NHNN và Chính phủ nói chung trong việc ban hành các Thông tư, Nghị định.

Trong đó, NHNN đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế rủi ro đối với các hoạt động liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp... đi cùng với đó là điều hành trung tâm của NHNN đã đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp kỷ lục, cụ thể với kỳ hạn 12 tháng tại một số nhà băng lớn về dưới 5,5% một năm, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Từ phía Chính phủ, việc ban hành Nghị định số 08 ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ra đời sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có thêm thời gian để tái cấu trúc cho nguồn tài chính của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp vẫn loay hoay

Mặc dù đã có hàng loạt hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhằm giúp cho doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 5,73%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và hơn một phần ba mục tiêu định hướng cả năm. Còn giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 5.770 tỷ đồng/phiên, giảm 24,9% trong 9 tháng đầu năm 2023 (nguồn: GSO). 

Về mảng trái phiếu doanh nghiệp - một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp trong thời gian qua, lũy kế 9 tháng năm 2023 đến 26/9/2023, theo VNDirect, có 51 doanh nghiệp đã phát hành với tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt khoảng 132.990 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% (56.900 tỷ đồng); 53,7% khối lượng trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 168,9 nghìn tỷ đồng (gấp 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn trong tháng 9/2023 cũng có sự chững lại với tổng giá trị được mua lại đạt khoảng 6.458 tỷ đồng, giảm 66% so với tháng trước.

Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như: Công nhân không quay trở lại sau Covid; việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực mới thay thế cần thêm thời gian và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng; doanh nghiệp bị hủy đơn hàng nhiều từ các thị trường mua bán trong và ngoài nước;

Chi phí cố định lớn, lãi suất vay ngân hàng ở một số lĩnh vực còn cao và chỉ ưu tiên cho các khoản giải ngân mới; doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để tập trung sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị tài chính, xử lý khủng hoảng của công ty thấp; Việc vay vốn nước ngoài kèm theo các điều kiện khá khắt khe từ các định chế tài chính của nước ngoài,… Tất cả đã vẽ nên một bức tranh doanh nghiệp Việt Nam thực sự đang cần được giải cứu. 

Tiếp cận và giải cứu doanh nghiệp như thế nào cho đúng?

Theo tác giả, có 3 nhóm giải pháp chính để có thể giải cứu doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn như sau: 

Thành lập các chiến dịch, ủy ban giải cứu chuyên biệt và triển khai ngay

Có lẽ, thay vì là những hành động tổng thể, quá vĩ mô trong khi doanh nghiệp cần sự thiết thực hơn, cho nên chúng ta nên có các chiến dịch giải cứu cụ thể hơn cho từng nhóm ngành mũi nhọn, nhóm ngành yếu thế, nhóm ngành đang cần gấp cho thị trường trong và ngoài nước mà trong đó vai trò định hướng, dẫn dắt của các Bộ ban ngành là rất quan trọng để giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ được vấn đề họ mà họ đang vướng mắc của doanh nghiệp, các khó khăn về sản xuất kinh doanh, lưu thông được nguồn đầu vào, đầu ra, khơi thông được cục đông về TPdoanh nghiệp, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh,..thì chắc chắn từng bước doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn. 

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán 

Bên cạnh các chiến dịch, ủy ban giải cứu chuyên biệt, vai trò của các Tổ chức tín dụng, tài chính như Ngân hàng, Công ty chứng khoán cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp dòng vốn vay ngắn, trung và dài hạn, hỗ trợ mạng lưới phân phối, bán hàng, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn về tuân thủ, tư vấn tăng vốn điều lệ, huy động vốn,…để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp được tốt hơn. 

Thu hút nguồn lực từ nước ngoài

Là một thị trường kinh tế tiềm năng, luôn được các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đánh giá cao, Việt Nam vẫn tiếp tục cần thêm các giải pháp sau để có thể thu hút đực nguồn lực từ nước ngoài nói chung: (1) Các cơ chế về đầu tư, thương mại cần thông thoáng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn FDI, công nghệ và nguồn lực chuyên gia của các nước lớn trên thế giới;

(2) Chú trọng việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hợp tác theo hệ sinh thái phát triển bền vững, đáp ứng tiêu chí giảm thải và bảo vệ môi trường; (3) Tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai,…; (4) Có thêm các cơ chế, quy định cho nhà đầu tư cá nhân người nước ngoài có thể đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6% như Thủ tướng Phạm Minh Chính mới yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Nhưng cho đến nay mới đạt khoảng 5-5,2% trong bối cảnh nền kinh thế Việt Nam và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy còn 3 tháng nữa mới hết năm nhưng nếu không có các biện pháp giải cứu doanh nghiệp mạnh mẽ và kịp thời hơn thì mục tiêu của năm nay và các năm tới sẽ càng khó được thực hiện hơn. 

TS. Hoàng Hồ Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán APG

Xem thêm: lmth.435036a-gnud-ohc-oan-eht-uhn-peihgn-hnaod-uuc-iaig/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giải cứu doanh nghiệp như thế nào cho đúng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools