Ngày 12-10, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới chiêu thức bán hàng trúng thưởng.
Thành lập những công ty chuyên lừa đảo
Trước đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố nhiều bị can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Võ Vi Ny (31 tuổi), Trần Văn Thể (28 tuổi), Võ Thị Hàn Ni (24 tuổi), Nguyễn Thị Minh Thùy (23 tuổi), Phạm Thị Bích Thảo (28 tuổi, cùng ngụ TP.HCM), Võ Vi Nô (35 tuổi, ngụ thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), Nguyễn Thị Tuyết Trinh (34 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Trong đó, Võ Vi Ny và Võ Vi Nô còn bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ.
Kết quả điều tra bước đầu xác định: Võ Vi Ny đã tự lập các công ty Hồng Phúc, Bảo Phong, Việt Nhật mà không đăng ký theo quy định.
Ny lấy tên Trần Anh Tuấn, tự xưng là giám đốc rồi tuyển dụng hơn 60 nhân viên; sau đó thành lập ra các bộ phận để giúp cho Ny thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ny hình thành các bộ phận tìm kiếm và mua thông tin, gọi điện tiếp cận, cài bẫy...
Sau đó, Ny và Trinh xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết để chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên không gian mạng.
Nhân viên do Ny tuyển dụng gọi điện thoại đến khách hàng (do các đối tượng thu thập, mua thông tin từ trước) giới thiệu đang làm việc tại “Công ty Hồng Phúc”, “Công ty Bảo Phong” hoặc “Công ty Việt Nhật”...
Các nhân viên này nói công ty đang liên kết với một số bệnh viện có uy tín để giới thiệu chương trình tặng thực phẩm chức năng cho bệnh nhân và chỉ phải đóng phí vận chuyển.
Từ tháng 9-2022 đến 4-2023, Võ Vi Ny cùng các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 3.000 người dân trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 25 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu giữ 157 điện thoại di động, 40 máy tính, 2 con dấu, 764 triệu đồng, gần 30 tấn hàng hóa phục vụ việc lừa đảo.
Theo Công an TP Gia Nghĩa, nhóm người trên hoạt động với phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Đó là sử dụng tên giả, mã số nhân viên làm việc ở công ty, phần mềm telegram để liên lạc, sim rác để lừa đảo. Tài khoản ngân hàng của nhóm trên cũng mua lại trên mạng xã hội nhằm che giấu nguồn thu bất minh.
Hơn 10.000 người bị lừa
Công an TP Gia Nghĩa đã chuyển vụ án trên sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Theo lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, cơ quan công an đang mở rộng xác định thêm những người bị nhóm trên lừa đảo.
“Có hơn 10.000 người trên cả nước bị các đối tượng lừa đảo bằng các thủ đoạn như đưa tặng sữa, thực phẩm chức năng…Nhóm này hứa hẹn với người mua hàng sẽ được trúng thưởng các phần thưởng có giá trị như tivi, tủ lạnh và đề nghị người mua hàng chuyển trước tiền rồi chiếm đoạt”- lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông thông tin.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đề nghị những ai bị nhóm người trên chiếm đoạt tài sản hãy liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
3 kiểu lừa đảo trên mạng xã hội gây thiệt hại chưa từng cóLENS
(PLO)- Mới đây, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã điểm mặt 3 kiểu lừa đảo trên mạng xã hội, gây thiệt hại lên đến 2,7 tỉ USD từ năm 2021.
Cảnh sát thông báo thủ đoạn lừa đảo trên mạng, đường dây đưa người sang Campuchia
(PLO)- Các nạn nhân xuất cảnh trái phép đều bị đưa vào tổ chức hoạt động lừa đảo, bị cưỡng ép lao động, nếu muốn về thì gia đình nộp tiền từ 3.000 - 20.000 USD.