Cơ hội và thách thức
Khoảng 34% là tỷ trọng vốn hóa thị trường của các cổ phiếu Việt Nam trong rổ danh mục thị trường cận biên của FTSE Russell, theo số liệu cập nhật ngày 31/8/2023, tương ứng cứ 3 đồng vốn hóa của danh mục có tới hơn 1 đồng từ Việt Nam. Với số lượng công ty lớn nhất (103 tổ chức) và 6 đại diện trong top 10 quy mô trong rổ chỉ số của FTSE, thị trường cận biên dường như trở nên chật hẹp với thị trường chứng khoán tuổi 23.
Khi nhiều thị trường còn “loay hoay” để đạt được các yếu tố về quy mô và thanh khoản để nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam gặp vướng ở các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Tại kỳ đánh giá xếp hạng thị trường tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng sau tròn 5 năm kể từ khi đưa vào, nhưng cũng “đánh giá” rằng, tiến độ cải cách thị trường còn chậm, song đã có những cam kết được đưa ra từ lãnh đạo cấp cao.
Khoảng 7,2 tỷ USD vốn ngoại gián tiếp được kỳ vọng sẽ được thêm ròng vào thị trường, theo ước tính từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Không chỉ vậy, một thị trường chứng khoán được xếp hạng cao hơn cũng gia tăng niềm tin thu hút cả các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
Hơn nữa, nâng hạng thị trường mở ra cơ hội nâng cao vị thế và hình ảnh của thị trường vốn Việt Nam, gắn liền với câu chuyện thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng. Xa hơn, điều đó góp phần nâng cao hình ảnh, sức hút, tính cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, được nâng hạng không phải đích đến cuối cùng. Nói về những thách thức sau nâng hạng, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, dòng vốn ngoại gián tiếp lớn hơn có thể ở cả chiều mua vào và bán ra cũng có thể gây tác động mạnh hơn đến mức độ biến động của thị trường, nhất là qua ảnh hưởng tâm lý. Giao dịch tăng mạnh gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán, đòi hỏi yêu cầu về cơ sở hạ tầng của hệ thống giao dịch cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống.
Quan trọng hơn, thách thức lớn nhất là đảm bảo thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp.
Vững gốc từ minh bạch
Minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu nếu muốn nâng hạng thị trường. Thông tin tài chính càng minh bạch, doanh nghiệp càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Nâng hạng rồi xuống hạng là thực tế mà có thị trường từng vướng phải. Để tránh đi lại vết xe đổ này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, chứng khoán Việt Nam nên hướng đến việc nâng hạng thị trường một cách bài bản, tạo nền tảng tốt.
Hai “điểm nghẽn” lớn nhất về chính sách để chứng khoán Việt Nam có thể đạt được tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell gồm việc yêu cầu cấp vốn trước để ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và câu chuyện “room” ngoại. Phía cơ quan quản lý đang tìm kiếm những giải pháp khả thi.
Tuy nhiên, có những điều chính sách đã cho phép, nhưng doanh nghiệp niêm yết - cũng chính là hàng hóa trên “chợ” chứng khoán, lại không “mở”. Điển hình là quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa có thể lên đến 100% sau Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Không ít doanh nghiệp “tận dụng” quy định cho phép đại hội đồng cổ đông quyết định “room” ngoại để tự đóng cửa, hạ “room” về tới 0% - thấp hơn cả mức trước đây.
Nâng hạng thị trường cần sự chung tay của nhiều bên, không chỉ là của các bộ, ngành, mà còn từ chính những “tế bào” cơ sở của thị trường là các doanh nghiệp niêm yết. Theo PGS-TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu nếu muốn nâng hạng thị trường. Thông tin tài chính càng minh bạch, doanh nghiệp càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Dù vậy, PGS-TS. Trần Việt Dũng cho biết, thực tế, ý thức tự nguyện trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, cũng như nhiều thị trường chứng khoán đang phát triển thường không đem lại hiệu quả cao, khi lợi ích của minh bạch thông tin chưa thật sự được hiểu rõ. Đối với những yêu cầu mang tính khuyến khích, không phải bắt buộc, như công bố thông tin bằng tiếng Anh, hay áp dụng chế độ kế toán IFRS, chỉ có số ít doanh nghiệp lớn đáp ứng được.
FPT - một trong những doanh nghiệp nằm trong rổ chỉ số VN30 và cũng thường xuyên kín “room” ngoại, đã theo đuổi các tiêu chí minh bạch thông tin nhiều năm nay và đạt thang điểm tối đa 100% ở hạng mục công bố thông tin và minh bạch do sở giao dịch chứng khoán đánh giá. Theo chia sẻ của bà Mai Thị Lan Anh, Phó giám đốc Marketing và Truyền thông FPT, bình quân năm qua, cứ 2 ngày lại có một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư.
“Ông lớn” ngành công nghệ cũng chủ động công bố rộng rãi những thông tin không thuộc phạm vi bắt buộc phải công bố như kết quả kinh doanh hàng tháng, các hợp đồng hợp tác, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A)…
Đứng từ góc nhìn công ty chứng khoán thực hiện tư vấn cho các doanh nghiệp niêm yết, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS cho rằng, ý thức trong công bố thông tin của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp hiểu rõ minh bạch công bố thông tin là quyền lợi để thu hút nguồn vốn. Tuy nhiên, cần biện pháp cứng rắn hơn nữa về minh bạch thông tin. Trong đó, việc đáp ứng tiêu chuẩn công bố thông tin cao hơn có thể tiến hành theo lộ trình, áp dụng cho từng nhóm.