Cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngành y tế chín tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ ba tháng cuối năm 2023.
Lượt khám chữa bệnh BHYT tăng 22%
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết trong chín tháng đầu năm 2023, số lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn địa bàn TP là khoảng 15 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Hằng, sau dịch bệnh COVID-19, số lượt KCB tăng. Số lượt và số chi KCB ngoại tỉnh cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước cho thấy rõ tác động của chính sách thông tuyến quận, huyện và thông tuyến tỉnh nội trú toàn quốc.
“Hiện số lượt bệnh nhân ở các tỉnh đến TP.HCM KCB trong ngày gia tăng vì BHYT đã thông tuyến huyện. Các bệnh nhân này được hưởng đầy đủ các quyền lợi của BHYT. Thông tư 20 quy định danh mục thuốc thanh toán BHYT được mở rộng, có nhiều loại thuốc hơn cho bệnh nhân khám BHYT” - bà Hằng cho hay.
Bà Hằng cho biết thêm năm 2022 có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số cơ sở KCB. Đến năm 2023, khi được cung ứng đầy đủ, chi phí KCB cũng tăng. Ở một số cơ sở y tế tỉnh, việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế chậm nên đẩy bệnh nhân về TP. Vì thế lượt bệnh nhân ở TP tăng cao.
Về những vấn đề còn tồn tại, bà Hằng cho rằng hiện nay một số cơ sở KCB chưa thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Đặc biệt, vì một số nơi không kiểm tra lịch sử KCB của bệnh nhân trước khi kê đơn thuốc nên vẫn còn nhiều trường hợp bị trùng lặp chi phí KCB. Từ đó có những trường hợp lạm dụng đi KCB và lấy thuốc ở nhiều nơi.
Ngoài ra, một số BV không đổi mật khẩu trên cổng thông tin cấp giấy hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe. Vì thế các đối tượng xấu xâm nhập vào và tự cấp những giấy tờ này, sau đó bán lại cho người có nhu cầu. BHXH TP đã có văn bản gửi các bệnh viện (BV) để kiểm soát vấn đề này.
Sẽ xin bổ sung nguồn dự toán cho TP
Bà Hằng cho biết nhằm đảm bảo hoạt động KCB tại các cơ sở KCB trên địa bàn theo đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, BHXH đã vạch ra rất nhiều giải pháp.
“Sắp tới chúng tôi cũng sẽ làm việc với BHXH Việt Nam để bổ sung nguồn dự toán cho TP.HCM, dự kiến thêm 800 tỉ đồng” - bà Hằng chia sẻ về một trong những giải pháp.
Chia sẻ về những giải pháp khác trong ba tháng cuối năm, đại diện BHXH TP cho rằng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để theo dõi sát chi phí KCB trên hệ thống giám sát. Thường xuyên thông báo sai sót cho các cơ sở KCB và phối hợp chặt chẽ để chuẩn hóa các danh mục, dữ liệu theo quy định.
BHXH TP yêu cầu các cơ sở KCB phối hợp quản lý tốt nguồn Quỹ BHYT, cân đối trong dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao cho TP; tổ chức KCB BHYT theo đúng quy định; đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ y tế cho người bệnh, không để bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế.
Đề nghị cơ sở KCB nâng cao chất lượng KCB, chỉ định điều trị hợp lý và theo đúng quy chế kê đơn, phác đồ điều trị, không kéo dài ngày điều trị đối với bệnh nhân nội trú; tuyên truyền và hướng dẫn người bệnh thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chip và bằng thẻ BHYT trên app.
“Các cơ sở KCB cần thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định. Nhất là các tháng cuối năm, cần cố gắng KCB, không đùn đẩy hoặc chuyển bệnh nhân đi nơi khác khi không vượt quá khả năng của đơn vị. Nên chuyển bệnh nhân về tuyến trước khi đã điều trị ổn định” - phó giám đốc này nhấn mạnh.
Với các cơ sở y tế có bệnh nhân gia tăng nhưng bàn khám không đáp ứng, BHXH yêu cầu xác định lại bàn khám để cơ quan này phối hợp với Sở Y tế xây dựng lại định mức thẻ, chuẩn bị hợp đồng cho đầu năm 2024.
13 thách thức của ngành y tế
Trong ba tháng cuối năm 2023, ngành y tế TP.HCM vẫn còn 13 thách thức. Cụ thể, nguồn vaccine tiêm chủng mở rộng nguy cơ bị thiếu hụt đến cuối tháng 12; thuốc Albumin (điều trị tình trạng sốc do mất máu, bỏng, giảm protein huyết tương do phẫu thuật hoặc suy gan) gián đoạn cung ứng; thực hiện nghiêm chỉ đạo về PCCC trong bối cảnh vẫn còn BV có nguy cơ cao.
Xuất hiện các hành vi hành nghề không phép thách thức cơ quan chức năng; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trẻ sẵn sàng tiếp nối và thay thế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát hiện sớm, phối hợp xử lý kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý sức khỏe người dân TP; chuyển đổi cổng dịch vụ công ngành y tế sang hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP; giải ngân đầu tư công không đạt theo kế hoạch của TP.
Hoàn thành và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án của ngành y tế; triển khai y tế vùng có hiệu quả; hợp tác quốc tế để triển khai hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo của ngành y tế theo chỉ đạo của UBND TP; nguy cơ vượt tổng mức dự toán BHYT.