Công an cảnh báo lừa đảo từ mời đầu tư chứng khoán
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội cho biết từ đầu tháng 10 đến nay liên tiếp nhận được đơn trình báo của các nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư chứng khoán qua "Quỹ đầu tư SeQuoia VN".
Đáng chú ý trong số này có nạn nhân bị lừa gần 16 tỉ đồng.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác với các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán online; không làm theo những hướng dẫn, mời chào của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram... không xác thực danh tính.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định pháp luật.
9 tháng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xuất siêu hơn 55 tỉ USD
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 341 tỉ USD, giảm 11,9% (tương ứng giảm hơn 46 tỉ USD).
Dù giảm sâu nhưng doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn 68,8% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Các doanh nghiệp FDI góp mặt và chiếm ưu thế trong tất cả các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Về xuất khẩu của các doanh nghiệp này, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận kim ngạch trong kỳ 2 tháng 9-2023 (từ ngày 15 đến 30-9) đạt 11,96 tỉ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 1,37 tỉ USD so với nửa đầu tháng 9.
Tính chung hết tháng 9, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 208 tỉ USD, giảm 9,3% (tương ứng giảm hơn 19 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Thêm đề xuất gỡ vướng cho thị trường bất động sản
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Văn phòng Chính phủ vừa chuyển thư kiến nghị của ông Lưu Trung Thái - chủ tịch Ngân hàng MB, tới Bộ Xây dựng để nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển thị trường bất động sản.
Trước đó, trong thư gửi Thủ tướng, ông Thái cho rằng hai trung tâm lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP.HCM đang rất khan hiếm nguồn cung nhà ở do nhiều dự án gặp khó khăn kéo dài trong khâu cấp phép, việc triển khai dự án bị chậm hoặc phải dừng dự án do vướng mắc pháp lý kéo dài.
Sự mất cân đối cung cầu dẫn tới hệ quả giá nhà liên tục tăng và neo ở mức cao. Do đó, ông Thái đề xuất Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và TP.HCM đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội số m2 nhà ở xã hội và nhà ở thương mại hằng năm, coi đây là chỉ tiêu quan trọng để hướng tới cân bằng cung - cầu thị trường.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương có quy trình, thủ tục phê duyệt dự án rõ ràng, công bố thời gian phê duyệt từng khâu, các dự án ven đô cần có quy hoạch và đầu tư quyết liệt để mở rộng không gian hai thành phố.
Đối với đề án đầu tư 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần thống kê cụ thể nhu cầu người dân từng địa phương, tránh đầu tư ồ ạt, thừa cung ở từng địa phương. Bộ Xây dựng, các bộ và địa phương cần thống nhất, giải thích rõ tiêu chí người được mua nhà để tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở.
7,5 tỉ USD nhập khẩu thép, chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản
Tin tức từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt 9,3 triệu tấn, trị giá 7,53 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Chiều ngược lại, Hiệp hội Thép Việt Nam thống kê 9 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đạt 7,72 triệu tấn thép xây dựng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm lần lượt là 20% và 12,9%.
Nhiều doanh nghiệp thép đã thua lỗ. Chẳng hạn, doanh thu Công ty CP Thép Vicasa - VnSteel quý 3-2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và thua lỗ gần 3 tỉ đồng; Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSteel giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và lỗ 491 triệu đồng...
Dù vậy, các doanh nghiệp dự báo thời gian tới sẽ là giai đoạn phục hồi, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chưa bùng nổ ngay lập tức. Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị phương án tăng sản xuất, huy động vốn đảm bảo tài chính cho bước dài hạn sắp tới.
Rác thải điện tử tại TP.HCM chưa được thu gom, xử lý triệt để
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong những năm gần đây TP chỉ thu gom được khoảng hơn 26 tấn rác thải điện tử các loại. Riêng rác thải điện tử thu gom từ hộ gia đình do các quận, huyện thực hiện trong 2 năm gần nhất chỉ khoảng hơn 5 tấn.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định người dân vẫn còn thói quen chuyển giao, cho, bán các loại rác thải điện tử còn giá trị kinh tế thay vì nộp lại để xử lý, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra các điểm thu hồi rác thải điện tử theo quy định vẫn chưa được triển khai rộng...
“Làm giàu không khó, chỉ khó cái là làm sao để giàu!” - bạn đọc Nguyên mỉa mai. Trong khi đó, bạn đọc Anh Thư chỉ rõ: “Không phải là bị lừa mà do tham lam”...