Sáng 16-10, thượng tá Cù Xuân Dũng - trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông - xác nhận đơn vị này đã phát văn bản cảnh báo nhiều tài khoản mạng xã hội giả danh lãnh đạo, thậm chí mạo danh chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông để lừa… vay tiền.
Mạo danh chủ tịch UBND tỉnh nhắn tin vay tiền bí thư huyện
Theo vị này, mới đây tại địa phương xuất hiện hiện tượng mạo danh lãnh đạo tỉnh trên mạng xã hội với mục đích lừa vay tiền của cấp dưới và người quen.
Theo đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Đắk Nông - cho hay kẻ xấu tạo các tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… lấy họ tên giống lãnh đạo tỉnh rồi nhắn tin vay mượn tiền.
Khi có người bị lừa, những kẻ xấu sẽ cho số tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền bị hại chuyển vào.
Cũng theo ông Dũng, vào năm 2022, PA05 Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 2 trường hợp giả mạo lãnh đạo tỉnh, trong đó có một trường hợp giả mạo ông Hồ Văn Mười - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - nhắn tin qua mạng với mục đích mượn tiền.
"Kẻ xấu mạo danh chủ tịch tỉnh để nhắn tin vay tiền bí thư huyện ủy và nhiều cán bộ một huyện của Đắk Nông", ông Dũng nói.
Đáng nói, cũng tại huyện này vào năm 2019, ông B.N.S. - phó bí thư Huyện ủy, nay là chủ tịch UBND huyện ở Đắk Nông - từng bị kẻ gian chiếm tài khoản Facebook để lừa, chiếm đoạt tiền của 3 người.
Cụ thể, ngày 30-10-2019, tài khoản Facebook của ông S. nhắn tin cho vợ ông là bà P.T.M.H. lừa chuyển 40 triệu đồng.
Hai nạn nhân khác là bà T.T.P. và bà L.T.X., lúc ấy là cấp dưới của ông S., cũng nhận được tin nhắn vay tiền từ tài khoản Facebook giả danh ông. Hai người này bị lừa lấy 50 triệu đồng.
Biết bị lừa, ba nạn nhân đã làm đơn trình báo Công an tỉnh Đắk Nông.
Tháng 3-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bị can và lệnh tạm giam Đoàn Quang Duy Tú (31 tuổi) và Đỗ Văn Giải (21 tuổi), đều trú tại tỉnh Quảng Trị để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến vụ việc này.
Cần nâng cao cảnh giác vì kẻ xấu lắm thủ đoạn
Theo kết luận điều tra, sau khi lừa vợ và 2 cấp dưới của ông S. chuyển tổng số tiền 90 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng, Giải và Tú nhanh chóng rút hết số tiền nêu trên.
Để tránh bị phát hiện, trước khi rút tiền, Tú đã dùng Internet banking chuyển tiền qua lại nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, rồi mới rút tiền tại các cây ATM.
Công an cho biết, ngoài vợ và người quen ông S., Giải và Tú cũng đã lừa nhiều người để chiếm đoạt tiền bằng phương thức tương tự.
Liên quan đến việc mạo danh lãnh đạo tỉnh để vay tiền, Công an tỉnh Đắk Nông đã thông báo để người dân trên địa bàn tỉnh cảnh giác và đã xử lý, ngăn chặn kịp thời. Hiện PA05 đang tiếp tục rà soát những tài khoản mạo danh lãnh đạo tỉnh để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nói thêm về việc này, thượng tá Cù Xuân Dũng cho biết việc giả công an, cán bộ thuế… để hù dọa, lừa tiền người dân không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân.
Đối với việc mạo danh cả lãnh đạo cấp cao ở địa phương để lừa vay tiền, ông Dũng nói là hiện tượng khá mới, cán bộ, đảng viên và người dân phải hết sức thận trọng.
Theo ông Dũng, cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh cần hết sức cảnh giác. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.
Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một người trên địa bàn mạo danh là phó vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương và phó giám đốc công ty để lừa đảo gần 10 tỉ đồng.