Từ nay đến cuối năm tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục tăng
Giải trình thêm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay về tín dụng đến ngày 21-9 tăng 5,33% và đến hết tháng 9 tăng gần 7%.
Bà Hồng nói hiện nay với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc thì từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục tăng.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, bà Hồng nhấn mạnh đây là việc rất khó, cần có thời gian và ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành đã trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền và hiện đang tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, việc xử lý các ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, nhưng trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn nên còn khó khăn hơn nữa.
Do vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất.
Điều hành tín dụng thế nào khi xảy ra rút tiền hàng loạt ở SCB?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế liên quan phát triển kinh tế - xã hội 5 năm có nêu một số hạn chế trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, bà mong có xem xét, cân nhắc.
Về đánh giá việc quá chú trọng kiểm soát lạm phát theo nhiều ý kiến cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt là cuối năm 2022, đầu năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn thì việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm là bất cập, bà Hồng cho rằng các ý kiến này nhìn từ từng góc độ riêng lẻ.
Còn việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, theo bà Hồng phải theo tinh thần bám sát yêu cầu Quốc hội và trên cục diện tổng thể của nền kinh tế.
Cụ thể, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải giảm mặt bằng lãi suất, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
Do đó, điều hành trong những tháng cuối năm 2022, trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất rất cao và xét thấy trong năm 2022 chúng ta vẫn có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội, nên những tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mức lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, đến tháng 10-2022, sự kiện Ngân hàng SCB bị rút tiền hàng loạt xảy ra nên Ngân hàng Nhà nước phải tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ như sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới.
"Do đó, mọi biện pháp lúc đó phải tập trung ngăn ngừa tính đổ vỡ hệ thống và lúc đó các tổ chức tín dụng cũng căng thẳng về thanh khoản, một số thiếu dự trữ bắt buộc, nguy cơ mất khả năng chi trả.
Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vì các ngân hàng đang tập trung đáp ứng khả năng chi trả cho người dân khi có tác động tâm lý, dẫn đến người dân rút tiền từ các ngân hàng nhỏ chuyển sang các ngân hàng lớn...", bà Hồng giải thích.
Bà nói thêm đến tháng 10, tháng 11 khi thanh khoản được cải thiện dần thì đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ngay.
"Khi hệ thống ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt thì thị trường tiền tệ, ngoại hối rất căng thẳng, thậm chí là tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Nên vào tháng 10-2022, tỉ giá tăng rất cao, có lúc 10%.
Lúc đó, để ổn định tỉ giá chỉ có một số giải pháp là can thiệp ngoại tệ, điều chỉnh tăng lãi suất, hạn chế thanh khoản. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm cả ba và đã giúp ổn định trở lại tỉ giá... Do đó, mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc", bà Hồng đề nghị.
Về nhận định lãi suất thấp, lạm phát cao là nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác, chính sách điều hành tài khóa, bà Hồng cũng mong cân nhắc bởi ý kiến này chỉ nhìn về góc độ lạm phát, lãi suất.
Còn điều hành về lãi suất, các công cụ về chính sách tiền tệ phải căn cứ các nhiệm vụ, trong đó là mục tiêu lạm phát, các dự báo, xu hướng lạm phát thế giới, trong nước và yêu cầu ổn định tỉ giá, đảm bảo an toàn hệ thống...
Chỉ trong vòng 20 ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 155.700 tỉ đồng tín phiếu trên kênh thị trường mở. Liệu đây có phải là tín hiệu đầu tiên cho chu kỳ thắt chặt chính sách của Ngân hàng Nhà nước?