Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188km đi qua bốn tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đã khởi công vào ngày 17-6. Đa số các gói thầu đều đã khởi công, nhưng nhiều tháng qua máy móc vẫn nằm chờ có cát để thi công.
Khắp nơi thiếu cát làm cao tốc
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại dự án thành phần 1 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh An Giang có chiều dài khoảng 57km, tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỉ đồng, được chia thành bốn gói thầu, đến nay máy móc, xe cộ, vật tư đã sẵn sàng nhưng lại mỏi mòn chờ cát.
Tại gói thầu số 42, điểm đầu dự án thành phần 1, đoạn TP Châu Đốc, thiếu tá Nguyễn Đình Du, phó giám đốc Ban điều hành Công ty Trường Sơn 11 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn), đơn vị thi công gói thầu này, nói: "Gói thầu có tổng chiều dài 17km, 17 cây cầu và 39 cống. Đến thời điểm này, tiến độ bốc đất hữu cơ đạt 90%. Hiện nhà thầu bố trí xong tám điểm bơm cát để khi có cát về tới sẽ bơm đắp nền ngay cho kịp tiến độ theo quy định nhưng cát vẫn chưa có".
Ông Nguyễn Văn Liêm, một nhà thầu xây dựng ở Sóc Trăng, cho biết ngay từ những tháng đầu năm 2023 cát đã "nóng", giá cả biến động. Nhưng thật sự "đứng hình" khi Công ty Trung Hậu 68 bị "bể", có tiền cũng không mua được cát san lấp. Do vậy nhiều công trình, dự án đình trệ, công nhân bị cho nghỉ hàng loạt.
"Gần hai tháng qua, tôi tìm đủ nguồn để mua cát san lấp dù giá cao, chấp nhận lỗ nhưng vẫn không có", ông Liêm than.
Ông Lê Minh Cường, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Cần Thơ, chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cho biết đã có biên bản giao Cần Thơ nghiên cứu mỏ cát trên sông Tiền. Trữ lượng mỏ này dự kiến khoảng 3,5 triệu m3. Hiện nhà thầu đang khảo sát, hoàn thiện các thủ tục, có thể cuối năm nay mới đưa vào khai thác. Như vậy vẫn còn thiếu một nửa số cát cần cho dự án thành phần 2.
Cũng theo ông Cường, với nguồn cát thương mại, theo nghị quyết 91, các địa phương phải giao mỏ cát cho nhà thầu. Nhưng dự toán giá cát được phê duyệt là giá gốc, trong khi nguồn cát thương mại có giá cao hơn rất nhiều, các nhà thầu không thể thực hiện.
Trong khi đó, ông Q., chủ một doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hậu, cho hay gần ba tháng nay kể từ khi bị thu hồi giấy phép khai thác cát theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì đơn vị vẫn chưa được cấp giấy phép. Ông đã nhiều lần gửi đơn về UBND tỉnh An Giang xin cấp phép sớm để khai thác cát phục vụ các tuyến cao tốc nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi đáp.
Lúng túng thực hiện cơ chế đặc thù?
Lãnh đạo Công ty T.A. cho hay dù công ty của ông đã trúng đấu giá mỏ cát ở Đồng Tháp nhưng hai tháng qua các hồ sơ, thủ tục vẫn chưa xong. "Tiền đấu giá đã nộp lần đầu rồi, có thể sau "sự cố" ở An Giang nên bây giờ họ làm kỹ hơn", vị này nói.
Trước kiến nghị này, ông Huỳnh Minh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết giao mỏ cát cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, nhưng nếu không lập đánh giá tác động môi trường sẽ không đánh giá được ảnh hưởng của việc khai thác cát, sỏi lòng sông đến lòng, bờ, bãi sông.
Mà điều này trái với nghị định của Chính phủ, đồng thời không dự báo khả năng xảy ra và chưa đưa ra biện pháp khắc phục. Vì vậy khi thực hiện cơ chế đặc thù còn một số nội dung khá lúng túng trong thủ tục cấp phép khai thác.
"Nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn tự lập hồ sơ khảo sát và thực hiện khảo sát không thông qua cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi và có ý kiến thẩm định là chưa phù hợp luật khoáng sản. Việc thực hiện khai thác phải đảm bảo theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến vừa mang lại hiệu quả vừa không ảnh hưởng môi trường", ông Tuấn nêu.
Ông Lê Quốc Phong, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cũng cho rằng việc khảo sát đánh giá trữ lượng, không chỉ Đồng Tháp mà còn các tỉnh trong khu vực, rất cần đánh giá tổng thể, một trọng tài để xác định lấy đó làm cơ sở tránh sự không trùng khớp giữa số liệu đánh giá của tỉnh và đơn vị thi công.
"Khi giao đủ khối lượng, cơ chế mỏ theo công trình, điều quan trọng chúng tôi quan tâm là tiến độ khai thác, đảm bảo các yếu tố về an toàn, kỹ thuật và môi trường. Tôi yêu cầu bảng tiến độ cụ thể của đơn vị thi công, trên cơ sở đó tỉnh sẽ giám sát.
Tôi ví dụ 1 triệu m3 lấy trong thời gian bao lâu, khai thác trữ lượng đủ sức chịu của môi trường hay không, hay phải giãn thời gian ra. Chúng tôi sẽ có ý kiến để giãn thời gian khai thác nhưng vẫn đảm bảo trữ lượng", ông Phong nói.
Bộ trưởng nói trách nhiệm chính ở địa phương
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh đã vào làm việc với An Giang và một số tỉnh có mỏ cát. Tại An Giang, ông Khánh khẳng định phải điều phối linh động.
"Không nên cứng nhắc trong việc phân bổ. Nếu các mỏ cát của cao tốc trục dọc chưa xong thủ tục thì có thể điều phối cát từ các mỏ cấp cho trục ngang. Không thể để lãng phí máy móc, nhân lực của các nhà thầu trên công trường để nằm chờ cát", ông Khánh nói.
Ông Khánh cho hay trung ương đã cho phép vận dụng cơ chế đặc thù để tiết kiệm ngân sách, đẩy nhanh tiến độ. Nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhược điểm về quy trình quản lý khai thác nguồn vật liệu, khiến việc cung cấp cát chậm.
"Tôi khẳng định đây là trách nhiệm chính của từng địa phương. Nếu tỉnh gặp khó khăn, phải có kiến nghị, Bộ TN-MT sẽ điều động nhân lực đến An Giang hỗ trợ công tác thăm dò, hỗ trợ thiết bị, máy móc để đẩy nhanh các công tác đánh giá, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ", ông Khánh nói.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ TN-MT, ông Tô Hoàng Môn, phó giám đốc Sở TN-MT An Giang, cho hay tỉnh sẽ cung ứng cát đủ nguồn cho các tuyến cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng.
"Với việc giao mỏ cát cho nhà thầu, tôi đang có văn bản gửi các nhà thầu để hướng dẫn trình tự, thủ tục đúng quy định cấp cho các nhà thầu thi công theo chủ trương nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ để giao cát cho nhà thầu thi công. Còn họ không có năng lực thì liên kết với ai là quyền của họ. Tôi chỉ giao mỏ cát cho nhà thầu đúng như nghị quyết và Thủ tướng đã chỉ đạo", ông Môn nói.
Thế nhưng vẫn không có cát và các cao tốc vẫn mòn mỏi chờ.
Sao giao mỏ cho tư nhân để họ ghim hàng, tăng giá?
Tại buổi lễ khởi công cầu Đại Ngãi ngày 15-10 ở Trà Vinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: Vì sao mỏ cát, mỏ đất là của toàn dân mà lại giao cho tư nhân quản lý, khai thác? Để rồi khi cần mới mua lại và xảy ra tình trạng đầu nậu ghim hàng, đẩy giá?
Theo Thủ tướng, hiện Quốc hội đã cho cơ chế giao mỏ cát trực tiếp cho nhà thầu thì các địa phương cứ thế mà làm và tăng cường giám sát, kiểm tra. "Vậy mà các địa phương vẫn buông lỏng quản lý, để xảy ra trục trặc. Khi xảy ra trục trặc thì phải đi thanh tra, kiểm tra, điều tra... Thời gian tới tôi đề nghị Bộ TN-MT phải tăng cường giám sát", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng thông tin thêm, sau đợt xảy ra "cơn khát" vật liệu đắp nền đường cao tốc ở miền Tây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã vào làm việc với các địa phương và đã có cam kết của các địa phương cung ứng được khoảng 15 triệu m3 cát (nhu cầu cần 18 triệu m3) cho các tuyến cao tốc miền Tây.
Đặc thù nhưng vẫn phải tuân thủ nhiều quy trình
Ông Ngô Thái Chân, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng, cho biết để có nguồn cát đắp nền và san lấp thành phần 4 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã có chủ trương sử dụng bảy mỏ cát với trữ lượng gần 17 triệu m³, đều trên sông Hậu. Với cơ chế đặc thù, thủ tục được rút ngắn nên tỉnh sẽ sớm bàn giao các mỏ cát cho các đơn vị thi công.
Nhưng ông Chân cho biết tuy được rút ngắn thủ tục, các nhà thầu vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật như trước khi khai thác phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác. Ngoài ra còn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác cát, thuế, phí và lệ phí theo quy định.
Cần quy định trách nhiệm cụ thể từng bên
Lãnh đạo tỉnh An Giang, Đồng Tháp khẳng định song song với việc cung cấp cát cho các cao tốc, công trình trọng điểm thì địa phương phải đánh giá lại khu vực nạo vét cát để đảm bảo không sạt lở.
Theo UBND tỉnh An Giang, ở tỉnh chỉ còn bốn khu mỏ có giấy phép khai thác có hiệu lực với tổng diện tích gần 156ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm. Dự kiến phân bổ cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (trục ngang) đoạn qua tỉnh An Giang khối lượng 1 triệu m3 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (trục dọc) hơn 1,5 triệu m3.
Ngoài ra, An Giang huy động thêm nguồn vật liệu từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để cung cấp cho cao tốc trục ngang đoạn qua tỉnh An Giang khoảng 3 triệu m3 và cao tốc trục dọc 300.000m3.
Thời gian qua, địa phương đã giao Sở TN-MT rà soát, khẩn trương tham mưu phân bổ nguồn cát từ khu mỏ của Công ty Tấn Thắng cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khối lượng gần 1,6 triệu m3. Đồng thời xin cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu thi công cao tốc đối với các khu vực quy hoạch mỏ trên sông Tiền, sông Hậu...
Sau khi trực tiếp khảo sát khu vực khai thác cát trên sông Hậu của Công ty Tân Hồng và Công ty Thủ Tuyền, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh về phương án phân bổ nhằm đáp ứng nhu cầu, tiến độ các dự án.
Với các đơn vị được cấp phép, phải lắp camera trên từng phương tiện khai thác để kiểm soát sản lượng; yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, không để thất thoát...
Còn ông Huỳnh Minh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - khẳng định ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000m3 (tăng công suất 50%). Đồng thời giới thiệu sáu mỏ để các đơn vị hoàn tất thủ tục giao mỏ cho nhà thầu.
Với việc thiếu sản lượng, UBND tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ hoặc giới thiệu các mỏ mới để giao nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ TN-MT cho khảo sát, đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu nhằm xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản để có kế hoạch khai thác bền vững.
Đồng thời kiến nghị Bộ TN-MT phối hợp các bộ, ngành ban hành quy chế phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù. Trong đó làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm nếu có.
Nhập khẩu cát giá đắt gần gấp đôi trong nước
Hiện cát Campuchia nhập khẩu về Việt Nam có giá khoảng 6 USD/m3, khi về tới Việt Nam giá khoảng 250.000 đồng/m3, cao gần gấp đôi so với giá cát trong nước. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cát thua lỗ nên dừng mua cát nhập khẩu.
Ông Bùi Thành On - giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành (An Giang) - cho rằng thiếu cát thì nhập cũng tốt, nhưng giá cát Campuchia về quá cao gần gấp đôi so với trong nước, doanh nghiệp không chịu nổi. Cát Campuchia chủ yếu là xây dựng chứ không phải cát san lấp, do vậy nếu các mỏ cát trong nước được mở sớm thì sẽ đáp ứng được nguồn cung.
Đồng tình với đề xuất này, một cán bộ của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho hay hiện nay WWF đang khẩn trương tìm cách thay thế vật liệu cát sông. Trước mắt có tám loại vật liệu thay thế cát, nhưng tiềm năng nhất vẫn là cát nghiền.
Chính phủ đã yêu cầu Vĩnh Long cùng An Giang, Đồng Tháp giao mỏ cát phục vụ cao tốc. Nhưng đến nay Vĩnh Long vẫn ‘giậm chân tại chỗ’. Vì sao?