Báo cáo xu hướng thị trường tiêu dùng của một số doanh nghiệp trong quý 3/2023 cho thấy, lo ngại về việc làm và thu nhập vẫn tồn tại. Do đó, cắt giảm chi tiêu vẫn là tâm lý của nhiều người tiêu dùng trong những tháng qua. Tuy nhiên, hàng hóa thiết yếu và nhóm sản phẩm chăm sóc sức khoẻ vẫn nhích lên.
Người dân mua sắm dịp cuối tuần trong một siêu thị tại TP Thủ Đức. Ảnh: Đ.H
Thống kê dữ liệu qua cổng thanh toán Payoo cho thấy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh đang có tốc độ tăng trưởng khá trong quý 3.
Cụ thể, giao dịch tại quầy của nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng trưởng 14% về số lượng và 20% về giá trị so với quý trước và tăng gần 40% về cả số lượng và giá trị kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến giảm 12% và số lượng và 11% về giá trị so với quý trước.
Báo cáo của cổng thanh toán Payoo cũng đưa ra nhận định, một trong những nguyên nhân của tình hình khởi sắc nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thể xuất phát từ chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ từ 10% xuống 8%, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Bên cạnh đó, các chính sách bán hàng kích cầu riêng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cộng hưởng với chương trình ưu đãi cho mùa tựu trường khi phụ huynh tranh thủ sắm sửa những vật dụng cho học sinh bước vào năm học mới đã thúc đẩy tiêu dùng nhích lên.
Đầu quý 3 cũng là mùa tăng trưởng doanh thu hàng năm của nhóm ICTs shop khi nhu cầu mua điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng gia tăng dịp tựu trường.
Thống kê cho thấy, đối với các giao dịch trực tuyến được thực hiện trên website và ứng dụng di động, nhóm ngành ICTs tăng 42% về số lượng, 19% về giá trị so với quý trước; giao dịch tại quầy tăng gấp 2 về số lượng và giá trị so với quý trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng khoảng 15%. Trong đó, giao dịch những ngày cuối tháng 9 tăng đột biến nhờ đợt mở bán chính thức các dòng sản phẩm iPhone 15 series.
Thanh toán trực tiếp tại quầy siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng điện máy - viễn thông đã có mức tăng trưởng đáng kể trong quý 3/2023.
Hàng chăm sóc sức khỏe và ăn uống tăng ấn tượng
Một trong những xu hướng được ghi nhận từ quý 2 và tiếp tục duy trì đến nay là người dân quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ. Trong quý 3/2023, lượng giao dịch ở nhóm các sản phẩm wellness, dược phẩm, thực phẩm chức năng tăng 42% so với quý trước trên kênh online, và tăng 20% trên kênh POS tại quầy. Cùng với đó, lượt mua các gói chạy, đạp xe với các đối tác giải thể thao, chạy bộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Đi ngược dòng với nhóm sản phẩm dịch vụ thiết yếu, các nhóm sản phẩm dịch vụ không thiết yếu đều giảm nhiệt. Cụ thể, nhóm Gym và Fitness, làm đẹp, spa, mỹ phẩm giảm khoảng 10% - 20% về cả số lượng và giá trị so với quý trước.
Cũng theo số liệu thống kê thanh toán qua cổng Payoo, ngành F&B tại quầy bứt phá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước: tăng 58% về số lượng và 35% về giá trị. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng của nhóm các nhà hàng cao cấp. Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng dành cho người có thu nhập khá giả này tăng 7% so với quý trước, trong khi giá trị trung bình của các đơn hàng thức uống, thức ăn nhanh hầu như không thay đổi.
Thống kê cũng cho thấy, mặc dù tăng trưởng của một số nhóm ngành trong quý 3 là đáng ghi nhận nhưng có thể nhìn thấy xu hướng tìm kiếm mặt hàng giá rẻ, săn khuyến mãi vẫn duy trì ở nhiều nhóm ngành (ngoại trừ ngành F&B).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7014241261013202-cas-iohk-3-yuq-gnud-ueit-puig-nahp-pog-8-ev-tav-euht-maig/et-hnik/nv.vtv