Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội đang tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn quảng cáo mở thẻ tín dụng Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Lê Anh Quân, ngụ tại thị xã Sơn Tây và Đinh Mạnh Cường, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Facebook, tham gia các hội, nhóm đăng bài quảng cáo hỗ trợ mở thẻ tín dụng nhanh gọn không cần chứng minh thu nhập.
Tên các tài khoản này có thể là Nguyễn Đăng Tài, Tài Nguyễn, Thảo Linh, Kiều Quỳnh Như, Nguyễn Hải Yến, My My, Hồ Trà My, Thùy Chi, Mỹ Tiên, Hoàng Thái Linh, Linh Bông, Hồ Hà My.
Trên mạng xã hội, hai đối tượng này giả danh là cộng tác viên của MBBank, yêu cầu người dân gửi ảnh thẻ CCCD cùng ảnh chân dung để mở thẻ với chi phí 500.000 đến 1.000.000 đồng và 5% số tiền hạn mức thẻ tín dụng.
Nếu khách ngỏ ý quan tâm, các đối tượng sẽ chụp ảnh thẻ tín dụng giả gửi cho khách, tạo sự tin tưởng, rồi từ đó chuyển tiền làm thẻ vào tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này cắt luôn liên lạc…
Công an thị xã Sơn Tây xác định nhóm đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người dân ở nhiều tỉnh, thành phố, nên phát thông báo tìm bị hại để củng cố hồ sơ vụ án.
Địa chỉ nhận tin báo: Cán bộ điều tra Nguyễn Thanh Tùng, Đội Cảnh sát hình sự, điện thoại 0987448254.
Quy trình lừa đảo từ giải thích của ngân hàng
Liên quan đến sự việc này, Ngân hàng TMCP Quân đội cho biết trên mạng xã hội đang có một số đối tượng mạo danh nhân viên MBBank tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng hoặc nhu cầu tăng hạn mức thẻ tín dụng, nhưng do chưa đủ điều kiện nên ngân hàng chưa cấp hạn mức.
Sau khi đã kết nối được qua Zalo/Facebook, đối tượng hướng dẫn người dân chụp ảnh CCCD và thông tin thẻ nội địa (BIN 970422).
Nếu người dân chưa có thẻ nội địa, đối tượng sẽ hướng dẫn vào App MBbank để đăng ký phát hành thẻ nội địa và chụp lại thông tin thẻ - bao gồm số thẻ, ngày hết hạn của thẻ, mã số bí mật CVV, tên khách hàng…
Khi người dân cung cấp thông tin, đối tượng tiếp tục yêu cầu chứng minh tài chính để mở thẻ tín dụng bằng cách chuyển tiền vào tài khoản thanh toán. Chúng giải thích đây là tiền ký quỹ, sau khi ngân hàng cấp hạn mức tín dụng, khách hàng sẽ được rút về…
Khi người dân mắc mưu, chuyển tiền, đối tượng sử dụng thông tin thẻ tìm cách thực hiện giao dịch chuyển số tiền ký quỹ này về tài khoản cá nhân của mình.
Để thực hiện được giao dịch này, đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân cung cấp mã OTP. Khi có mã OTP, đối tượng lừa đảo sẽ hoàn tất được giao dịch chiếm đoạt tiền, rồi chặn toàn bộ liên hệ với người bị lừa.
Cảnh báo
Vì vậy, MBBank khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ cũng như mã OTP cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả nhân viên ngân hàng.
Tự MB không có bất cứ quy trình, thủ tục nào yêu cầu người dân phải cung cấp đầy đủ thông tin thẻ gồm số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật CVV, mã OTP như cách mà các đối tượng lừa đảo thực hiện.
Để phòng ngừa, ngoài việc bảo mật nêu trên, người dân cần thường xuyên kiểm tra thông báo biến động số dư. Trường hợp có nghi ngờ mất tiền, cần liên hệ ngay với ngân hàng để được hướng dẫn giải quyết.