vĐồng tin tức tài chính 365

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai: Cần sự chung tay của cả hệ thống

2023-10-17 07:10

Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 965 yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

Tuy nhiên, qua phản ánh, việc tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm trễ, chưa quyết liệt. Bởi vậy, Công điện của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các chỉ đạo, không gây khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án

Ngay sau khi công điện được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản cho biết, các tháng vừa qua, nhờ các chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, thị trường đã có những dấu hiệu hồi phục nhất định. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, rất cần sự tập trung tháo gỡ rốt ráo từ các bộ, ngành, địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai: Cần sự chung tay của cả hệ thống - Ảnh 1.

Doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai

Ngay sau khi được các chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, từ đầu năm cho đến nay, chính quyền TP Hồ Chí Minh liên tục tổ chức các cuộc họp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Mở đầu là:

- Giữa tháng 2 (15/2), UBND đã làm việc 18 doanh nghiệp.

- Đến cuối tháng 2, Thành phố đã tổ chức họp riêng với 6 doanh nghiệp có 7 dự án.

- Tháng 3, tiếp tục làm việc với 6 chủ đầu tư để tháo gỡ pháp lý.

- Đến tháng 7, UBND đã có văn bản kết luận, tháo gỡ cho 5 dự án.

Và sau hàng chục cuộc họp thì tính đến nay, thành phố đã tháo gỡ được 39 dự án trên tổng số 148 dự án kiến nghị gỡ vướng. Đa số các vướng mắc của các dự án liên quan đến nhận chuyển nhượng quyền sở hữu đất nông nghiệp, thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…

Do đó, Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vướng mắc về quản lý, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Các doanh nghiệp kỳ vọng các khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ.

Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha, cho biết: "Nhà đầu tư rất mong chờ những chỉ đạo như thế bởi vì chậm thủ tục hành chính ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án, ảnh hưởng đến dòng tiền dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư. Tôi đơn cử như việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của nhà đầu tư. Nếu dự án chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rất khó khăn làm thủ tục vay ngân hàng".

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng Dịch vụ Tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Việt Nam, nói: "Việc Thủ tướng đề nghị sở, ban ngành báo cáo cụ thể trong việc sửa đổi Nghị định 44 là một trong những đột phá. Khi vấn đề cách tính tiền sử dụng đất được tháo gỡ, minh bạch và cụ thể thì tôi cho rằng thị trường, đặc biệt là nguồn cung hiện nay sẽ gia tăng và thúc đẩy hồi phục thị trường trong thời gian tới".

Số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, 70% các vướng mắc các dự án đến từ vấn đề pháp lý, trong đó, đối với lĩnh vực đất đai thì các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị gặp khó trong công tác xác định giá, thẩm định và quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất… Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, hơn 80.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng cho người mua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Hiện nay chúng ta đã giải quyết được 7.000 - 8.000 trường hợp, còn khoảng 75.000 chưa được cấp sổ hồng. Vì thế, chúng tôi hoan nghênh Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, rất kịp thời và chúng tôi thấy một lộ trình và thời gian phải thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".

Còn về phía chính quyền TP Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục rà soát, gỡ vướng cho các dự án bất động sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Thành phố đã tổ chức họp và có chỉ đạo tháo gỡ ngay cho 28 dự án. Còn 14 dự án đang giao các sở, ngành tiếp tục rà soát pháp lý để tổng hợp, giải quyết từng trường hợp.

Đảm bảo quyền lợi được cấp sổ đỏ cho người mua nhà

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai: Cần sự chung tay của cả hệ thống - Ảnh 2.

Một trong những nội dung đáng chú ý khác trong Công điện vừa được ban hành liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ) cho người dân. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo chức năng, thẩm quyền được giao và các quy định hiện hành. Đây là vấn đề được người dân rất quan tâm, mong chờ.

300 hộ dân đã về sinh sống tại chung cư Thăng Long Tower, TP. Hà Nội cách đây đã 7 năm, thế nhưng, đến giờ vẫn chưa được cầm trên tay cuốn sổ đỏ

Làm việc với phóng viên VTV Money, chủ đầu tư cho biết, sau 5 lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay, vẫn chưa hoàn thành được việc tính tiền sử dụng đất, để làm sổ đỏ cho cư dân

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thăng Long, cho biết: "Vì có sự điều chỉnh về mục đích sử dụng cho nên mình phải tính lại giá đất. UBND Thành phố mới giao cho các sở ban ngành hướng dẫn, tính toán lại giá đất cho phù hợp. Cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn nào cả, nên cứ trong vòng luẩn quẩn, chúng tôi không xúc tiến được việc làm sổ đỏ cho cư dân".

Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản gửi Công ty TNHH Thăng Long liên quan đến dự án, trong đó chỉ ra có sự thay đổi thiết kế trong quá trình xây dựng tòa nhà.

Anh Phạm Sơn Tùng, Cư dân Chung cư Thăng Long Tower, TP. Hà Nội, cho biết: "Chủ đầu tư chưa thực hiện thi công xong các hạng mục theo thiết kế được duyệt, tự ý thay đổi mặt bằng công năng của các tầng, đặc biệt, tự ý lắp dựng thêm kết cấu khác, ngoài kết cấu chính của công trình nên Bộ Xây dựng tạm dừng nghiệm thu công trình".

Chị Trần Thị Thu Trang, Cư dân Chung cư Thăng Long Tower, TP. Hà Nội nói: "Chúng tôi là dân kinh doanh, rất cần sổ hồng để thế chấp ngân hàng, để có nguồn vốn. Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào căn hộ rồi, rất cần sổ hồng để vay ngân hàng. Chúng tôi tuột mất cơ hội đầu tư. Giờ căn hộ chỉ là để ở thôi, chứ không có giá trị sở hữu gì cả, ở mà như đi vay, đi mượn, đi thuê".

Theo chuyên gia, trong lần sửa đổi Luật Nhà ở và các Luật khác liên quan lần này, cần bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, trong việc đảm bảo quyền lợi người mua nhà

Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự, nhận định: "Trong lần sửa đổi Luật lần này, cần ghi rõ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư, chẳng hạn. Đầu tiên, nghĩa vụ của chủ đầu tư khi bàn giao nhà cho người mua mà không làm đủ trách nhiệm như cấp sổ hồng, thì anh sẽ bị bồi thường thiệt hại cho người mua nhà. Nó có thể là một khoản tiền phạt chẳng hạn, ví dụ 10% cho mỗi năm chậm cấp sổ đỏ".

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai: Cần sự chung tay của cả hệ thống - Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế để ưu tiên cấp trước giấy chứng nhận cho phần căn hộ của cư dân, còn các phần diện tích khác như diện tích thương mại... có thể xem xét sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Bên cạnh đó, cần tách bạch vướng mắc giữa doanh nghiệp với chính quyền để linh hoạt tối đa cấp sổ hồng cho người dân.

Theo các Hiệp hội và doanh nghiệp, để tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai, cần có thêm sự quyết liệt, cùng chung tay từ chính các địa phương và các cơ quan liên quan.

Cần sự chung tay tháo gỡ khó khăn trong quản lý đất đai

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Chính quyền địa phương phải có tính quyết liệt hơn, quan tâm hơn. Đặc biệt là khó khăn của các dự án tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội cho khu vực của mình. Tận dụng những quy định của chính phủ đang trực tiếp trực diện tháo gỡ. Ví dụ như Nghị định 10 thì hiện nay mới chỉ có Khánh Hoà đang nghiên cứu vận dụng, trong khi các địa phương khác không có động thái gì để tháo gỡ cho các dự án bất động sản du lịch. Tuy nhiên, phía các bộ ngành chưa sớm ban hành các thông tư hướng dẫn để các địa phương thực thi. Chúng tôi cho rằng tất cả hệ thống phải vào cuộc, cùng với Chính phủ, chứ không thể để Chính phủ một mình.

Ông Hoàng Liên Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha: Tôi nghĩ là nên thành lập tổ thường trực để giải quyết trực tiếp cho từng doanh nghiệp, vướng ở đâu, gỡ ở đâu, cần phải giải quyết những gì và chúng ta trực tiếp xử lý luôn. Như thế thúc đẩy nhanh các chủ đầu tư tháo gỡ được khó khăn và triển khai được dự án.

Thực tế, từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều công điện, văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hợp lực "gỡ khó" cho thị trường bất động sản. Tổ Công tác của Thủ tướng được thành lập, hoạt động tích cực tại nhiều địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng đã tham dự hai Hội nghị lớn trực tiếp lắng nghe vướng mắc từ phía các doanh nghiệp. Một số dự án lớn đang dần được tháo gỡ các nút thắt, quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, những vướng mắc trong việc quản lý đất đai đã tồn tại nhiều năm, liên quan tới nhiều cơ quan, bộ ngành, cho nên việc xử lý không chỉ ngày một, ngày hai, mà cần sự chung tay của cả hệ thống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.50993343261013202-gnoht-eh-ac-auc-yat-gnuhc-us-nac-iad-tad-yl-nauq-gnort-cam-gnouv-og-oaht/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai: Cần sự chung tay của cả hệ thống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools