Trong danh sách 16 bệnh nhân đăng ký trở về Cần Giờ chạy thận dịp này, có ba bệnh nhân đặc biệt. Họ đều đến từ Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM. Hơn ai hết, chính họ là người thấu hiểu rõ nhất sự cực nhọc khi phải "vượt sóng" vào đất liền chạy thận.
Từ câu chuyện của Huỳnh Tấn Tài
Từ cách đây hơn hai tháng, câu chuyện "gian nan hành trình đi chữa bệnh" của người dân xã đảo Thạnh An xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ. Câu chuyện gây sự chú ý, bởi nhân vật đặc biệt là Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi) - một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên xã đảo này.
Hành trình vào đất liền chạy thận với Tài là cực hình. Từ chiều hôm trước, anh được người thân bế lên ghe vào đất liền thuê trọ. Trắng đêm, chàng trai 34 tuổi cứ thấp thỏm chờ trời sáng để kịp đón xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) chạy thận.
Cả đi lẫn về, anh mất ròng rã 25 tiếng, nếu tính ngày thì mất hai ngày. Một tuần ba lần, Tài mất đến sáu ngày đi chạy thận và chẳng khác nào hành xác với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Và có lẽ Tài chỉ là số ít gắng vượt nghịch cảnh về thời gian, khoảng cách và điều kiện kinh tế để chạy thận. Có người đã bỏ cuộc, sống chung với bệnh tật và ra đi trong giày vò của bệnh tật.
"Tôi chỉ mong sao Bệnh viện huyện Cần Giờ sớm có thể chạy thận, đó cũng là cách tốt nhất giúp bà con xã đảo đỡ mất sức, tốn tiền bạc tới lui lên thành phố như bây giờ", Tài tâm sự và lặng nhìn ra dòng sông Sài Gòn nơi có những đám lục bình trôi lững lờ mong ước.
Ông Lê Văn Dũng (54 tuổi, ngụ ấp Hòa Thạnh, Thạnh An) vui mừng nói vừa được thông báo về Bệnh viện huyện Cần Giờ chạy thận. Đây là lần đầu tiên ông được chạy thận gần nhà sau một năm suy thận điều trị tại Bệnh viện quận 8.
"Cũng vì quá xa xôi, một năm qua tôi phải thuê phòng trọ ở quận 8 duy trì chạy thận. Về Cần Giờ chạy thận, tôi được ở nhà, đỡ di chuyển mệt mỏi và ít tốn kém hơn", ông Dũng xúc động nói.
Trong số 16 người đăng ký về Cần Giờ chạy thận, Lý Tuấn Anh (24 tuổi) là bệnh nhân trẻ tuổi nhất. Ba năm phát hiện suy thận cũng là ba năm Tuấn Anh đều đặn đến Bệnh viện Nhà Bè chạy thận.
Nhà xa, di chuyển liên tục (tuần ba buổi) khiến sức khỏe chàng trai ngày càng suy kiệt. Tuấn Anh còn bảo dạo gần đây chân yếu hẳn không thể đi một mình, mẹ phải đi theo để dìu. "Em ước được về Cần Giờ chạy thận lâu lắm rồi", Tuấn Anh bộc bạch.
Niềm mong mỏi ấy của Tuấn Anh, Tấn Tài cùng nhiều người bệnh khác đã nhanh chóng "chạm" đến trái tim những người có trách nhiệm ngành y tế.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, đơn vị xung phong hỗ trợ Cần Giờ), nói: "Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, tôi đã gọi điện ngay cho bác sĩ Đoàn Văn Huệ, giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ và được trả lời nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ. Với kinh nghiệm đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, tôi nhận lời ngay". Kế hoạch nhanh chóng được báo cáo xin ý kiến và được giám đốc Sở Y tế TP.HCM ủng hộ.
Tất cả vì người chạy thận
Việc hình thành được đơn vị chạy thận ở Cần Giờ nếu được đặt trong bối cảnh các bệnh viện và ngành y tế đều đứng trước "khó khăn đủ chuyện", từ nhân sự cho đến trang thiết bị, vật tư thuốc men mới thấy hết sự quý giá.
Quả thật, không phải bệnh viện nào cũng dám nhận cái khó về mình. Nói như bác sĩ Trần Văn Khanh: "Chi viện cho Cần Giờ đơn giản chỉ xuất phát từ trách nhiệm một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể". Thậm chí, suốt quá trình bắt tay vào thiết kế đơn vị chạy thận, các kỹ sư đã phải túc trực ở Cần Giờ làm xuyên lễ (2-9), tất cả vì người chạy thận.
Cho đến hôm nay, kỹ sư Võ Đình Hiếu - trưởng phòng vật tư, thiết bị y tế (Bệnh viện Lê Văn Thịnh), một trong những người được giao quán xuyến thiết kế đơn vị chạy thận ở Cần Giờ - mới thở phào, đặc biệt sau đánh giá "đáp ứng triển khai thận nhân tạo" từ đoàn thẩm định của Sở Y tế.
Để đáp ứng kịp tiến độ chạy thận trong tháng 10, từ những ngày đầu tháng 9-2023 kỹ sư Hiếu nói anh em đồng nghiệp của hai bệnh viện đều đồng tâm hiệp lực làm cả ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật. "Nếu xét cho đúng trình tự các thủ tục đấu thầu mua sắm rồi người này chờ người kia, tôi nghĩ phải cần từ sáu tháng đến một năm mới có thể hoàn thành đơn vị chạy thận. Chúng tôi đã quyết liệt làm và làm mọi cách nhanh nhất có thể để đạt mục tiêu", kỹ sư Hiếu chia sẻ. Và cũng từ sự quyết liệt ấy mà chỉ hơn một tháng đã có đơn vị chạy thận đạt tiêu chuẩn "5 sao" như lời kỹ sư Hiếu tâm sự.
Ngoài các vấn đề nêu trên, bác sĩ Trần Văn Khanh cũng nói sở dĩ đơn vị chạy thận triển khai nhanh được là do hoạt động theo mô hình vệ tinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Chẳng hạn như thay vì đấu thầu mua sắm, bệnh viện đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật và sẽ điều hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân sự từ bệnh viện xuống Cần Giờ. Theo ông, quan trọng vẫn là chủ trương, từ đó bệnh viện đã vận dụng mọi thủ tục nhanh, gọn nhất có thể và vẫn đảm bảo pháp lý.
Hệ thống chạy thử trơn tru
Theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, hiện toàn huyện có 41 bệnh nhân được chỉ định phải chạy thận nhân tạo. Tất cả đều phải lên các bệnh viện ở trung tâm thành phố như Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Thịnh, Nhà Bè, quận 8 và Bệnh viện Quân y 175.
Thấu hiểu điều này nhưng thực tế Cần Giờ đã bất lực bởi không đáp ứng nhân sự. "Từ xưa đến giờ, chúng tôi vẫn định hướng trong bệnh viện có đơn vị chạy thận nhân tạo", bác sĩ Đoàn Văn Huệ, giám đốc bệnh viện, nói. Và từ sự "chắp cánh" của Bệnh viện Lê Văn Thịnh có được đơn vị chạy thận ngay Cần Giờ, theo bác sĩ Huệ, là niềm mơ ước của địa phương, nhất là các vùng xa như xã đảo Thạnh An.
Bệnh viện cho biết trong lúc chờ ngày khai trương, đơn vị chạy thận nhân tạo đã được cho chạy thử (demo) với bảy bệnh nhân, chia làm hai ca. "Hệ thống vận hành trơn tru, các bệnh nhân đều rất vui vẻ khi được chạy thận gần nhà", lãnh đạo Bệnh viện huyện Cần Giờ nói.
Theo kế hoạch trong thời gian sắp tới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ luân phiên nhân sự định kỳ, người vài tháng để vừa vận hành chạy thận, vừa "cầm tay chỉ việc" cho nhân sự ở địa phương với hy vọng sớm làm chủ được chuyên môn kỹ thuật.
Điều khó khăn phía trước, theo bác sĩ Trần Văn Khanh, là huyện Cần Giờ có đến 41 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Tuy vậy, hệ thống máy chạy thận hiện mới chỉ có 5 máy, đáp ứng cơ bản cho 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận ban đầu.
"Để đáp ứng tất cả 41 bệnh nhân chạy thận về lâu dài phải cần từ 10-12 hệ thống máy chạy thận, do đó chúng tôi mong muốn có thêm sự chung tay từ các đơn vị khác nhằm đảm bảo chạy thận cho người bệnh không bị gián đoạn", bác sĩ Khanh nói.
Đã có 13 bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện huyện Cần Giờ thay vì phải vượt đường trường vào trung tâm TP.HCM.