“Hàn Quốc là một đất nước yên bình, nơi bạn có thể làm việc chăm chỉ để kiếm tiền”, anh Kuda Jayantha đến từ Sri Lanka nói với tờ Nikkei Asian Review sau quãng thời gian dài làm việc ở Hàn Quốc.
Trước đây Hàn Quốc là nước có chính sách rất chặt chẽ về lao động nhập cư và chỉ bắt đầu chấp nhận người nước ngoài làm các công việc bán thời gian từ thập niên 1990, chủ yếu trong các lĩnh vực nặng nhọc, lương thấp và thiếu nhân lực như nông nghiệp, sản xuất trong nhà máy...
Thế nhưng dần dần với sự lão hóa của dân số, chính quyền Seoul đang biến những lao động nhập cư như anh Jayathan thành một phần thiết yếu đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng cũng như duy trì năng suất.
“Nếu không có lao động nước ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng mạnh”, Bộ trưởng tư pháp Hàn Quốc Han Dong Hoon thừa nhận.
Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc đã nâng mức giới hạn số visa được cấp phép cho lao động nước ngoài lên 110.000.
Tổng cộng Hàn Quốc đã có khoảng 88.000 lao động nước ngoài đang được cấp phép visa làm việc năm 2022, mức cao nhất lịch sử và cao hơn nhiều so với 51.000 lao động của năm 2019.
Chính quyền Seoul cũng đang mở rộng các ngành nghề được phép cấp visa cho lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng lão hóa dân số dẫn đến thiếu hụt nhân lực.
Xin được nhắc rằng Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Trong khi Nhật Bản, đất nước đã phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số và thiếu nhân lực suốt nhiều năm nay, đã tuyển dụng được lượng lớn lao động nước ngoài trong những ngành cần tay nghề cao như sản xuất máy móc, phụ tùng thì Hàn Quốc chưa làm được điều đó.
Phần lớn lao động nhập cư vào Hàn Quốc mới chỉ làm các công việc kỹ thuật thấp trong nhà máy, mảng nông nghiệp hay ngư nghiệp.
Bởi vậy nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ nới lỏng chính sách tuyển dụng lao động nhập cư cho ngành du lịch khách sạn, chuyển phát nhanh, nhà hàng dịch vụ để thúc đẩy được đà tăng trưởng trong bối cảnh thiếu nhân lực.
Chào mừng đến Hàn Quốc
Tại một số nền kinh tế như Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc), các hộ gia đình thường thuê bảo mẫu hay người giúp việc, lau dọn là lao động nhập cư.
Thế nhưng Hàn Quốc lại không đi theo đường lối này khiến nhiều gia đình buộc phải phụ thuộc vào người thân hay các dịch vụ trông trẻ đắt tiền.
Chính điều này đã làm giảm nhu cầu sinh đẻ cũng như hạn chế năng suất lao động của các cặp vợ chồng.
Đồng quan điểm, Thống đốc Seoul Oh Se Hoon nhận định việc chấp nhận thêm lao động nước ngoài sẽ giúp giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc.
Thống đốc Oh cho hay mức chi phí bình quân cho một bảo mẫu ở Hàn Quốc vào khoảng 2-3 triệu Won, tương đương 1.500-2.200 USD, trong khi chi phí tương tự ở Singapore hay Hong Kong lại rẻ hơn nhiều vì dùng lao động nhập cư.
Hiện Hàn Quốc đang tiến hành các chương trình thử nghiệm đưa thêm lao động nhập cư vào làm bảo mẫu và giúp việc, tuy nhiên vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi.
“Có nhiều mảng công việc mà lao động Hàn Quốc không muốn làm do quá khổ hoặc lương quá ít, và đó là những nơi cần nhân lực nước ngoài. Tất nhiên trong một số trường hợp, công ty thuê lao động nước ngoài là vì họ có thể trả ít tiền hơn và điều này có thể dẫn đến việc bóc lột sức lao động”, Thống đốc Oh nói.
Bên cạnh đó, những nghi vấn về khả năng xã hội Hàn Quốc sẽ hấp thu lượng lớn lao động nhập cư như thế nào cũng là vấn đề.
Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ cùng tư duy phân biệt đối xử sẽ là rào cản rất lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc khi muốn tiếp nhận lao động nước ngoài.
*Nguồn: Nikkei