Chiều 17-10, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 (74km) tiếp tục phần xét hỏi đối với các đơn vị là chủ đầu tư, các nhà thầu.
Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Giai đoạn 2 là đoạn đường dài hơn 74km.
Tuy nhiên khi mới đưa vào vận hành khai thác, trên toàn tuyến đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường bê tông nhựa. Việc này, anh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.
Được triệu tập đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mong HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu xác định các nhà thầu thi công các gói thầu A1, A2, A3, A4, A5 có sai phạm gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật. "Thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó".
Cũng theo đại diện VEC, chi tiết thiệt hại, đơn vị đã có văn bản gửi cơ quan điều tra, viện kiểm sát và "mong tòa xem xét".
Theo đại diện VEC, cơ sở yêu cầu bồi thường là hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Các nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, tiến độ, tiêu chuẩn chất lượng. Trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ, sai sót thì phải bồi thường.
Đại diện VEC cho biết không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường, do họ đều là các nhân viên, chuyên gia, có năng lực kinh nghiệm, đóng góp cho ngành giao thông vận tải, có nhiều bằng khen giấy khen.
"Mong HĐXX coi đó là một cái rủi ro nghề nghiệp. Đánh người chạy đi không ai đánh người chạy lại", đại diện VEC cho hay.
Cũng theo đại diện VEC, bản án giai đoạn 1 quá đủ sức răn đe đối với các bị cáo. Một số tài sản của các bị cáo bị kê biên, phong tỏa, ngừng giao dịch. VEC không yêu cầu các bị cáo bồi thường nên đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này.
"Không đồng ý bồi thường bất cứ gói thầu nào"
Trong phiên tòa hôm nay, chỉ 3 trong 5 nhà thầu có mặt: CC 1, Posco E&C và Lotte E&C. Hai nhà thầu Trung Quốc không được tòa chấp nhận tư cách người đại diện do chưa trình được văn bản hợp pháp hóa lãnh sự cho giấy ủy quyền.
Có mặt tại tòa, đại điện nhà thầu Lott E&C cho rằng yêu cầu bồi thường của VEC là vô lý.
Vị đại diện nói không đồng ý bồi thường bất cứ gói thầu nào, với lý do "đã thực hiện toàn bộ theo đúng hợp đồng, có kiểm tra chất lượng từng giai đoạn".
Đại điện nhà thầu Lott E&C cũng khẳng định, chính VEC sau đó cũng đã thuê một đơn vị kiểm tra chất lượng riêng biệt và đơn vị này cũng đã kiểm tra quy trình tương tự như bên ban giám định, kết quả báo cáo là không có vấn đề gì.
Cùng quan điểm, đại diện nhà thầu POSCO E&C cũng "phản đối 100%" yêu cầu bồi thường của VEC...
TTO - Nói lời sau cùng, cựu phó tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng cho hay sự việc đau xót xảy ra với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là ngoài ý muốn, rất ăn năn, hối lỗi và khẳng định không có động cơ vụ lợi.