Chiều 17-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đã phản ánh kiến nghị của cử tri liên quan đến giá bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 đến UBND TP.
Bà cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận nhiều đơn thư kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề này và đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương có liên quan giải quyết.
Về vấn đề giá bồi thường dự án đường vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP có nghe phản ánh của cử tri liên quan đến giá bồi thường. TP sẽ vận dụng tối đa các cơ chế để có giá đền bù "khá hơn" cho người dân.
Lý giải về sự chênh lệch giá đền bù giải phóng mặt bằng vành đai 3 giữa tỉnh Bình Dương và TP Thủ Đức, ông Mãi cho biết: "Nông nghiệp của TP Thủ Đức rộng, xa đường giao thông hơn, còn phía Bình Dương là gần đường và xen cài trong các khu đô thị. Cho nên tỉnh Bình Dương vận dụng tính giá gần như giá đất đô thị. Nhiều khi người dân không hiểu vì sao cũng đất nông nghiệp, chỉ bước qua cái lộ mà giá đất bồi thường lại chênh lệch nhau".
Trước đó, khi tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức, nhiều cử tri nêu ý kiến liên quan đến giá bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3. Cử tri Lê Minh Thắng (phường Trường Thạnh) có khu đất diện tích 3.300m2 nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển. Mức giá bồi thường dao động từ 5,8 triệu đến 7,6 triệu đồng/m2, ông nhận được 23 tỉ đồng.
Trong khi đó, cử tri cho biết giá đất mặt tiền tại khu vực này bị giải tỏa đang giao dịch ở mức trên dưới 70 triệu/m2. Nếu bán đi, họ sẽ nhận được 100 tỉ đồng.
Cử tri Thắng còn cho rằng cùng một dự án nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp tại TP.HCM chưa bằng một nửa với Bình Dương. Cùng trục đường Nguyễn Xiển, giá bồi thường tại Bình Dương là 16,7 triệu, còn tại TP là 7,6 triệu đồng.
Năm 2024, TP.HCM dự kiến chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ 1,5 - 1,6 lần
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin thêm về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Ông cho biết hiện nay trung ương chưa thông qua cơ chế tiền lương mới. Thực hiện cơ chế tăng thêm thu nhập theo nghị quyết 98, TP đã mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng nhưng quỹ tiền lương không điều chỉnh được nên đã giảm trần chi thu nhập tăng thêm xuống.
Theo ông Mãi, bảy tháng đầu năm, cán bộ hưởng mức chi thu nhập tăng thêm 1,8 lần và năm tháng cuối năm quay về 0,8 lần tương ứng với quỹ lương cơ bản của TP. Tính trung bình cả năm 2023 thì mức chi thu nhập tăng thêm khoảng 1,3 lần.
Năm 2024, nếu TP tính toán tiền lương ngay từ ban đầu thì quỹ lương sẽ lớn hơn, mức chi thu nhập sẽ không đến nỗi thấp. Theo đó dự kiến mức chi thu nhập tăng thêm năm 2024 sẽ khoảng 1,5 - 1,6 lần. Ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ cố gắng nâng mức chi lên từ từ.
Mặc dù rất đồng thuận thực hiện dự án vành đai 3 nhưng cử tri TP.HCM vẫn băn khoăn về giá bồi thường, giải phóng mặt bằng còn thấp, có sự chênh lệch giữa các địa phương.