vĐồng tin tức tài chính 365

Rác theo hoa từ Đà Lạt đổ về các thành phố lớn

2023-10-18 10:45

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt - người tiêu dùng Việt Nam thích mua hoa có cành dài, lá xanh từ gốc tới ngọn nên người trồng phải dùng thuốc hóa học để bảo vệ cành lá, ảnh hưởng xấu đến môi trường, tăng chi phí trồng trọt, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và các đô thị cũng tăng lượng rác thải. 

Ông cho hay, khi xuất khẩu hoa đi các nước như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ chỉ cần cành hoa dài khoảng 60cm (khoảng 3 gang tay), cắt bỏ bớt lá. Còn ở Việt Nam, người tiêu dùng yêu cầu hoa có cành dài từ 90 - 120cm, lá ở cành phải nhiều và xanh. Nhiều trang trại trồng hoa xuất khẩu có chiều cao 75 - 80cm đưa hoa này vào chợ của Việt Nam liền bị chê là hoa cũ. Người ta thích mua hoa có cành dài nhưng khi mua về cũng phải cắt ngắn lại. 

Ông thông tin thêm, trong năm 2022, sản lượng hoa tại Đà Lạt đạt 3.861 triệu cành, trong đó thị trường TPHCM và TP Hà Nội tiêu thụ gần 90%. Ông nói: “Nếu chiều dài mỗi cành hoa được giảm 20 - 30cm, TPHCM và Hà Nội sẽ giảm được một lượng rác khổng lồ hằng năm. Mong sao tiểu thương các chợ giúp người tiêu dùng hiểu chất lượng hoa nằm ở bông, nụ chứ không phải cành. Việc chọn cành hoa ngắn sẽ giúp người trồng đỡ được chi phí mua thuốc hóa học để trị nấm, dưỡng cành và lá, giảm chi phí sơ chế, bảo quản, vận chuyển, các thành phố đỡ được khoản chi phí dọn rác”. 

Thói quen chuộng mua hoa có cành dài, nhiều lá xanh của người tiêu dùng gây áp lực lên nhà vườn trong khâu canh tác, lượng rác thải lớn (ảnh chụp tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ)
Thói quen chuộng mua hoa có cành dài, nhiều lá xanh của người tiêu dùng gây áp lực lên nhà vườn trong khâu canh tác, lượng rác thải lớn (ảnh chụp tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ)

Ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) và chợ hoa Đầm Sen (quận 11, TPHCM), người bán báo giá hoa theo loại 1, 2, 3, 4. Loại 1 có cành dài, cây mập mạp, lá xanh từ gốc tới ngọn; loại 2 có cành ngắn hơn một chút, có bỏ lá ở phần gốc; loại 3 và 4 có cành ngắn, ít lá. Chúng tôi nhận thấy, hoa loại 1 và loại 2 có cành dài gần 1m, các loại còn lại có cành từ 50 - 70cm. 

Nhân viên cửa hàng Hoa lá Diễm Chi trong chợ Hồ Thị Kỷ nói thêm, hoa bán lẻ được ngâm cành trong các xô nước, chừa mặt hoa lên trên để người mua dễ lựa chọn. Đa phần người mua rút bó hoa ra khỏi xô nước để kiểm tra cành, bó nào ít lá hoặc có lá vàng dưới gốc thì bị chê là hoa cũ. Còn theo chị Thanh Lan - tiểu thương chợ hoa Đầm Sen - đa số người mua nghĩ rằng, cây dài thì chất lượng hoa cao, mới được cắt từ vườn, còn cây ngắn, đã qua sơ chế là hoa cũ. Suy nghĩ này đã ăn sâu vào suy nghĩ người tiêu dùng, rất khó thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Mỹ - Giám đốc Công ty Hoa tươi Hoa Mỹ Flower - cho rằng, người tiêu dùng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản chuộng hoa bó cầm tay dạng nhỏ nên hoa xuất khẩu sang các thị trường này không cần cành dài. Riêng người tiêu dùng Việt Nam lại chuộng các bó hoa hoặc lẵng hoa “khổng lồ” để thể hiện “đẳng cấp”. Để làm được các sản phẩm “khổng lồ” này, các doanh nghiệp buộc phải chọn hoa có cành dài để không phải nối cành bằng ống nước và để hoa lâu tàn. Do thị hiếu như vậy nên khi nhập hoa từ Ecuador, Hà Lan về, doanh nghiệp cũng yêu cầu cành dài hơn, cứng cáp hơn cả hoa Đà Lạt. 

Bà nhận xét: “Thực tế, cây hoa có cành dài, thân cây mập mạp thì hoa thường khỏe, đài hoa lớn, còn cây hoa có cành ngắn thì hoa nhỏ và không đẹp. Do đó, giá hoa có cành dài thường cao hơn khoảng 30% so với hoa có cành ngắn. Nếu như các nhà vườn có giải pháp làm cho cây hoa có cành ngắn nhưng mập mạp, cho bông khỏe, đẹp thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng sẽ đón nhận hoa cành ngắn”. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng, Hiệp hội hoa Đà Lạt, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cần chuyển thông tin này đến các thương lái, tiểu thương để qua họ chuyển đến người trồng hoa. Thời gian qua, sở đã phối hợp với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành để triển khai công tác sơ chế tại nguồn đối với nông sản, thực phẩm nhập vào chợ đầu mối của TPHCM. Riêng với hoa, tới đây, sở sẽ tham mưu để lãnh đạo TPHCM phối hợp với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, đưa ra quy chuẩn về chiều dài cành của mỗi loài hoa trước khi đưa về các chợ đầu mối của TPHCM. Nhưng trước mắt, tiểu thương các chợ cũng cần tư vấn cho người tiêu dùng để dần thay đổi cách chọn mua hoa. 

“Tiêu dùng xanh là xu hướng toàn cầu. Không nên để việc chuộng hoa cành dài mà tạo thêm gánh nặng về chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường” - ông Nguyễn Nguyên Phương nói. 

Sức tiêu thụ hoa dịp 20/10 giảm dần

Bà Nguyễn Thị Mỹ cho biết, dịp lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) các năm trước, Công ty Hoa tươi Hoa Mỹ Flower phải nhập lượng hoa nhiều gấp 10 lần so với ngày bình thường, tuyển thêm 10-15 nhân sự cắm hoa. Sau đợt dịch COVID-19, sức mua hoa vào các dịp lễ của người tiêu dùng giảm rõ. Dịp lễ 20/10 năm ngoái, công ty đã giảm lượng hoa khoảng 30% nhưng dịp lễ năm nay, công ty phải giảm thêm khoảng 20%, tức giảm khoảng 50% so với dịp 20/10/2019 và trước đó, không tăng thêm nhân sự. Năm nay, giá hoa dịp lễ 20/10 giảm mạnh. Hiện giá hoa hồng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ khoảng 150.000-200.000 đồng/bó 30 bông, trong khi vào dịp này các năm trước, giá hoa hồng 300.000-450.000 đồng/bó 30 bông. 

Ông Phạm Hoàng Thái Dương - Giám đốc thương hiệu Hoa Yêu Thương - thông tin, năm ngoái, giá hoa hồng tăng 300% so với ngày thường, giá các loài hoa khác cũng tăng khoảng 40%. Năm nay, do sức mua yếu nên giá hoa nguyên liệu ở Đà Lạt giảm 20 - 50% so với năm ngoái. Công ty chuẩn bị khoảng 3.000 sản phẩm, bằng với năm ngoái nhưng giảm khoảng 20% so với các năm từ 2019 trở về trước. 

Thanh Hoa

 

Xem thêm: lmth.6653051a-nol-ohp-hnaht-cac-ev-od-tal-ad-ut-aoh-oeht-car/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Rác theo hoa từ Đà Lạt đổ về các thành phố lớn ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools