Điều quan tâm nhất là "nền công vụ mới" sẽ thực hiện thế nào để phục vụ tốt nhất và người dân, doanh nghiệp là "khách hàng" thật sự?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ sau khi đọc đề cương dự thảo xây dựng đề án, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, đánh giá những nhóm giải pháp hướng tới của TP.HCM nếu làm được sẽ tạo ra nền công vụ chuyên nghiệp, coi việc cung cấp dịch vụ hành chính là hàng hóa. Các đơn vị khác nhau phải cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng là người dân và doanh nghiệp.
Cạnh tranh thái độ, tốc độ, chất lượng phục vụ
* Cơ sở nào để ông có thể đưa ra nhận định như trên, thưa ông?
- Đề cương phác thảo đưa ra mới chỉ là bước đầu, còn nhiều cơ chế, chính sách cụ thể phải làm rõ, thiết kế chi tiết.
Tuy nhiên, nhiều nhóm giải pháp TP.HCM hướng tới rất đáng chú ý, có thể tạo đột phá về thể chế, từ đó tạo ra sự chuyên nghiệp cho nền công vụ.
Trong đó đáng chú ý là các nhóm giải pháp đẩy mạnh thuê dịch vụ đối với các công việc có thể thuê ngoài, thí điểm thuê nhân sự quản lý để giảm áp lực cho cán bộ, công chức.
Hay giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị cũng có thể tạo đột phá về giám sát chất lượng công vụ.
Quan trọng nhất, nếu làm tốt các giải pháp sẽ tạo sự cạnh tranh cho chính các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công, từ đó người dân, doanh nghiệp sẽ được lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất.
* Sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính nghe có vẻ rất mới, cụ thể là thế nào?
- Một nền hành chính chuyên nghiệp coi việc cung cấp dịch vụ hành chính là hàng hóa buộc các đơn vị phải cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp dịch vụ.
Do đây là loại hàng hóa đặc biệt nên các khoản phí, lệ phí... ở các địa phương đều giống nhau. Thực chất cạnh tranh là cạnh tranh thái độ, chất lượng và tốc độ phục vụ. Một đơn vị có thái độ niềm nở, hạn chế việc đi lại của người dân và kết quả trả sớm, đúng hẹn sẽ được nhiều người dân, doanh nghiệp lựa chọn.
Muốn vậy, phải tạo được tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ hành chính giữa các đơn vị. Thiết kế theo hướng, đơn vị nào phục vụ nhiều hơn, giải quyết nhiều hồ sơ hơn sẽ được thưởng nhiều hơn.
Tạo động lực về thu nhập và cơ hội nghề nghiệp
* Có nghĩa sự cạnh tranh ở đây sẽ "phá băng" được sự trì trệ của một bộ phận trong bộ máy hành chính và tạo ra những động lực để công chức làm tốt công việc?
- Cần nhìn nhận có sự trì trệ, đùn đẩy, nhiêu khê ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính hiện nay là do thiếu hai động lực: thu nhập và cơ hội nghề nghiệp.
Kèm với đó, sự giám sát chất lượng công vụ hạn chế dẫn đến chất lượng nền công vụ còn hạn chế. Hai động lực trên là điều kiện cần, không có động lực, có giám sát cỡ nào cũng khó làm tốt được.
Đề án phải giải được bài toán, tạo động lực về thu nhập và cơ hội nghề nghiệp cho bộ máy. Người làm nhiều, giải quyết được nhiều hồ sơ sẽ được thưởng nhiều hơn. Một công chức làm tốt, phục vụ tốt phải được cân nhắc các vị trí cao hơn, đãi ngộ tốt hơn.
* Vậy để tạo ra được sự cạnh tranh, theo ông, cần những yếu tố nào?
- Nhóm giải pháp TP.HCM xin thí điểm cơ chế phải đột phá, vượt qua các quy định về giải quyết thủ tục hành chính chung hiện nay trong cả nước. Nhiều thủ tục hành chính hiện nay bị ấn định giải quyết theo địa giới hành chính, hộ khẩu của người dân, địa chỉ kinh doanh doanh nghiệp.
Ở nhiều thủ tục, người dân sống ở quận này không thể sang quận khác nộp hồ sơ. Việc này khó có thể tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị, bởi người dân chỉ có một lựa chọn duy nhất.
Vì vậy, TP.HCM cần xin thí điểm cơ chế tự chủ về mặt hành chính, được thiết kế quy trình cung cấp dịch vụ. Theo đó, TP được giao thẩm quyền thiết kế quy trình giải quyết thủ tục hành chính sao đó để vẫn cung cấp được dịch vụ nhưng người dân được lựa chọn đơn vị cung cấp.
Cùng với quy trình như vậy, TP.HCM cần tạo ra cơ sở dữ liệu dùng chung để các đơn vị liên thông được dữ liệu.
Lấy ví dụ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thạnh vẫn có thể liên thông gửi hồ sơ để một phường hay phòng chuyên môn của quận 1 kiểm tra hồ sơ và gửi lại để chi nhánh này làm thủ tục cho dân.
Đưa công nghệ để tối ưu hóa quy trình
* Ông có nói đến việc thiết kế quy trình hành chính tạo sự cạnh tranh phải đi đôi với tạo cơ chế, công cụ giám sát công việc, chất lượng nền công vụ. Việc này theo ông thực hiện như thế nào?
- Việc dành một mục riêng về hiện đại hóa nền công vụ, trong đó đề ra nhóm giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị cho thấy TP.HCM nhận diện rõ vai trò của công nghệ trong việc xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp.
Chuyển đổi số là động lực, đưa công nghệ vào xử lý công việc và đánh giá hiệu quả công việc.
Một quy trình hành chính chuẩn cũng cần có vai trò của công nghệ, chuyển đổi số hỗ trợ giải quyết và giám sát việc giải quyết các thủ tục hành chính. TP nên tập trung vào đưa công nghệ và phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ cho công chức.
* Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc để người dân nộp hồ sơ ở đâu cũng được sẽ rất khó?
- Hiện nay, việc tạo nên dữ liệu dùng chung nằm trong tầm tay của TP.HCM có thể xử lý được. Chỉ có điều, việc thiết kế quy trình để người dân chọn lựa đơn vị có thể xảy ra xung đột về mặt lợi ích giữa các đơn vị. TP phải nhìn ra những điểm nào tạo sự xung đột về lợi ích để thiết kế những lợi ích khác bù đắp.
Nhưng nếu vì lợi ích riêng, có sự cố tình ngăn cản sự cải cách này cũng nên kiên quyết loại trừ những người như vậy ra khỏi hệ thống. Như vậy mới mong có một nền công vụ chuyên nghiệp, coi người dân là khách hàng thực thụ để cung cấp dịch vụ tốt nhất.
Hướng đến nền công vụ hiện đại hiệu quả
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - khẳng định đề án nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 là định hướng chiến lược, tổng thể, căn cơ cho nền công vụ hiện đại của TP thời gian tới.
Đề án hiện đang được lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị để có thể trình UBND TP trong quý 4-2023.
Đề cương đề án đã đề xuất bốn nhóm mục tiêu, giải pháp lớn. Trong mỗi nhóm giải pháp lại đề xuất từng nhóm mục tiêu chi tiết. Đơn cử như nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức, bộ máy.
Trong đó tập trung các giải pháp như: tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân bổ biên chế, số lượng người làm việc phù hợp với đặc thù đô thị đặc biệt; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ thuê ngoài và thuê nhân sự quản lý...
Trong đó, một số chính sách đáng lưu ý như: TP đánh giá, xếp hạng chất lượng cán bộ theo hiệu quả công việc và sản phẩm đầu ra.
Đồng thời, sẽ nghiên cứu áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo biên chế, số lượng người làm việc theo từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện.
Nếu cơ quan sử dụng ít biên chế hơn nhưng vẫn hiệu quả thì được hưởng phần kinh phí khoán quỹ tiền lương và chi thường xuyên của biên chế, số lượng người làm việc chưa sử dụng.
Đề xuất Trung ương cho phép thí điểm tập sự lãnh đạo các cấp, trước mắt là lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cấp xã.
Tiếp tục đề án thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị tại TP.HCM. Cùng với đó là chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh tinh giản biên chế và vận động về hưu trước tuổi.
Nhóm giải pháp hiện đại hóa nền công vụ: đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thí điểm cơ chế cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà.
Thiết kế động lực riêng cho nhóm làm chính sách
Ông Nguyễn Quang Đồng cho hay cơ quan hành chính có hai chức năng là cung ứng dịch vụ công và hoạch định chính sách.
Về mặt cung ứng dịch vụ công, như ở trên đã nói, cần đưa ra các động lực mang tính thị trường để tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Riêng chức năng hoạch định chính sách sẽ khó hơn, để đánh giá được năng lực cán bộ, công chức phải căn cứ trên nhiều yếu tố, chứ không đo đếm được bằng hiệu quả giao dịch.
Như vậy, trong đề án, ngoài việc thiết kế các giải pháp cải cách công vụ về mặt cung cấp dịch vụ hành chính, TP cũng cần thiết kế những động lực cho nhóm cán bộ, công chức làm công việc về thiết kế, hoạch định chính sách.
* TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM):
Phải làm rõ nhiều vấn đề để tránh tiêu cực
Hiện TP.HCM đang xây dựng đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả là công tác có ý nghĩa tích cực.
Tuy nhiên những chính sách phải cân nhắc về tính phù hợp và sự tương thích với tổng thể nền hành chính quốc gia và nền hành chính địa phương.
Như việc thuê dịch vụ đối với các công việc có thể thuê ngoài, thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý để giảm áp lực cho cán bộ, công chức.
Cần làm rõ lý do của việc thuê ngoài, đó là do thiếu nhân lực hay thiếu chuyên môn. Việc thuê ngoài so với việc tuyển nhân sự mới có chuyên môn thì cái nào hợp lý hơn?...
Bên cạnh đó, cũng nên xem xét lại đề xuất "Trung ương cho phép thí điểm tập sự lãnh đạo các cấp, trước mắt là lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cấp xã". Vì các chức danh quản lý, lãnh đạo không phải là chức danh có thể tập sự được, đó là những vị trí không nên "làm thử".
Nếu người quản lý là vị trí đang tập sự thì các quyết định họ đưa ra có phải cũng mang tính "tập sự" không? Rồi ai là người hướng dẫn tập sự, ai thông qua hết tập sự để họ trở thành người quản lý, lãnh đạo chính thức...? Hàng loạt vấn đề đặt ra, mà nếu không có sự cân nhắc kỹ lưỡng thì rất dễ sinh ra tiêu cực.
* PGS.TS Vũ Tuấn Hưng (phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ):
Mạnh dạn thuê tư nhân làm dịch vụ công
Những định hướng của UBND TP.HCM trong đề cương dự thảo là gắn với thực tiễn của địa phương và xu thế thế giới hiện nay.
Chẳng hạn, việc giao thuê cho tư nhân (thuê ngoài) một số dịch vụ công đã được một số quốc gia trên thế giới thực hiện từ khá lâu và đã mang lại hiệu quả ở Mỹ hay gần với Việt Nam nhất là Singapore.
Ở Việt Nam, thực tiễn cho thấy có một số lĩnh vực đã mạnh dạn giao cho tư nhân làm và mang lại hiệu quả, đảm bảo nhanh gọn, giảm tải cho bộ máy công quyền như hệ thống cơ quan công chứng, chứng thực tư nhân, các tổ chức kiểm toán độc lập, bệnh viện tư tham gia khám chữa bệnh cho mọi bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế...
Do đó, TP.HCM nghiên cứu, đề xuất giảm tải một số dịch vụ công phù hợp cho khối tư nhân sẽ góp phần thực hiện tốt, hiệu quả hơn cho bộ máy hành chính công vụ, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công.
TTO - Nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong sử dụng các dịch vụ hành chính công như thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề y, hành nghề dược, cấp giấy phép hoạt động nhà thuốc..., Sở Y tế TP.HCM đã chính thức ra mắt số tổng đài mới.