Theo ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN), triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là điểm nhấn đầu tư mạnh mẽ giúp định hình lại thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024 - 2025. 12 định chế tài chính quốc tế, quản lý danh mục lên đến 1.000 tỷ USD đã có chuyến thăm và làm việc với các cơ quan quản lý, một số doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam.
Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN). |
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị kéo dài thương vụ, chưa thể nhận được giải ngân từ nhà đầu tư ngoại. Theo ông, đâu là những rào cản cần tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngoại?
Hiện tại, Việt Nam đang được S&P xếp hạng ở mức BB+ với triển vọng "Ổn định", một nấc dưới mức "Đầu tư". Với những thay đổi và tiến bộ tích cực về mặt điều hành của Chính phủ, cũng như việc kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định và tăng trưởng, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ được xét nâng hạng lên mức "Đầu tư" trong giai đoạn 2024 - 2025, tạo ra bản lề để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài, cả FDI lẫn FII.
Riêng về FII, một trong những chủ đề đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất hiện tại là câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của FTSE & MSCI. Rào cản kỹ thuật lớn nhất bây giờ là yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch (pre-funding) và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở một số doanh nghiệp Việt Nam (FOL).
Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi thấy được sự nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các cơ quan chức năng liên quan trong công tác tháo gỡ các nút thắt cuối cùng để Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ngoài việc thu hẹp thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2,5 vào tháng 9/2020, việc đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống giao dịch KRX để đi vào vận hành trong thời gian tới sẽ là một cú hích lớn cho triển vọng nâng hạng của Việt Nam.
Hệ thống KRX sẽ mang lại các dịch vụ và giải pháp giao dịch mới như giao dịch T+0, quan trọng hơn sẽ là tiền đề giải quyết nút thắt liên quan tới cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và giúp trải nghiệm giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện hơn đáng kể.
Mới đây nhất, việc FTSE tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi cho thấy sự ghi nhận của tổ chức này đối với nỗ lực, quyết tâm của UBCK và các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình vượt qua những rào cản cuối cùng về tiêu chí nâng hạng thị trường.
MSVN có ghi nhận vấn đề nào từ phía các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam không?
Do quy mô các doanh nghiệp ở Việt Nam còn nhỏ (phần lớn vẫn là SME), việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và tìm hiểu về tình hình quản trị và kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập.
Đặc biệt, so với các quốc gia trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải nâng cao nhận thức và tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc với các định chế tài chính nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những biến động rất mạnh, ông có góc nhìn thế nào về thị trường trong thời gian sắp tới?
Với 90% giao dịch hàng ngày là từ nhà đầu tư cá nhân nên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ luôn có những biến động ngắn hạn nằm ngoài dự đoán và các phân tích cơ bản... Chúng tôi sẽ không bất ngờ nếu thị trường, sau giai đoạn tăng trưởng tốt từ đầu năm đến tháng 9, sẽ bước vào giai đoạn biến động hơn (tăng giảm tầm 1 - 2% là bình thường) do áp lực chốt lời, nhất là trong bối cảnh các thông tin vĩ mô gây ra nhiều đánh giá lẫn lộn, thậm chí sai lệch.
Nhưng những biến động gần đây, trên 2%, thì có lẽ là điều bất ngờ với nhiều người và cả chúng tôi khi thấy tất cả các cổ phiếu, bất kể tốt xấu, đều bị bán hoảng loạn. MSVN cho rằng, ấn tượng đau thương của giai đoạn nửa cuối năm 2022 vẫn còn ám ảnh các nhà đầu tư cá nhân.
Theo đánh giá của MSVN, tình hình vĩ mô và chính sách năm 2023 đang cải thiện và tốt hơn nhiều so với năm 2022. Vì thế, việc thị trường điều chỉnh mạnh bởi tâm lý đám đông và những đánh giá sai về chính sách lại mở ra cơ hội đầu tư mới cho nhiều nhà đầu tư giá trị.
Chúng tôi cho rằng, một số dòng thông tin tích cực sẽ trở lại và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán: 1) lãi suất tiếp tục hạ, tín dụng phục hồi dần, 2) đẩy mạnh đầu tư công, giúp tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn, 3) kết quả kinh doanh quý IV/2023 sẽ tốt hơn, và 4) các hành động cụ thể từ cơ quan quản lý trong chiến dịch nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các ngành sẽ có triển vọng tốt, theo quan điểm của MSVN, bao gồm dầu khí, điện, khu công nghiệp (trong trung hạn), tiếp đến (phục hồi từ 2024) là tài chính (ngân hàng, chứng khoán), bán lẻ và bất động sản.