Tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất phía nam Trung Quốc, các gia đình đang đi ngược lại xu thế chung của cả nước. Họ ngày càng quan tấm đến việc sinh 2 con trở lên. Đây là một tin vui trong bối cảnh lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc tại Trung Quốc.
Vào giữa tháng 6/2023, Học viện Phát triển Dân số Quảng Đông – cơ quan cố vấn của chính phủ - đã thực hiện một cuộc khảo sát với 13.039 người. Họ đến từ 5 thành phố là Quảng Châu, Giang Môn, Yết Dương, Thiếu Quan và Mậu Danh.
Trong đó, hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ muốn có 2 con và 6,5% muốn có 3 con trở lên. Hơn 85% trong số này mong muốn có ít nhất 1 con.
Nhưng trên phạm vi cả nước, trong năm 2022, số lượng trẻ sơ sinh và tỷ lệ sinh con thứ hai đều giảm. Điều này cho thấy hiệu quả mờ nhạt của các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh.
Tuần trước, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết số trẻ em là con thứ hai trong gia đình vào năm 2022 chiếm 53,9% tổng số trẻ sơ sinh, giảm so với mức 55,9% của năm 2021. Tổng số trẻ sơ sinh là con thứ hai trên cả nước cũng giảm.
Trung Quốc cũng ghi nhận thống kê số trẻ sơ sinh thấp nhất trong lịch sử hiện đại với 9,56 triệu trẻ, lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 10 triệu. Các nhà nhân khẩu học dự đoán tỷ lệ sinh có thể tiếp tục giảm xuống 7 triệu đến 8 triệu trong năm nay.
Một loạt chính sách khuyến khích sinh sản đã được triển khai ở cấp địa phương và trung ương, nhưng các chuyên gia thừa nhận rằng khó có thể có tác động ngay lập tức. Trung Quốc phải thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.
Quảng Đông là tỉnh giàu có và đông dân nhất cả nước của Trung Quốc. Năm ngoái dân số tỉnh này đã giảm lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ. Cụ thể, dân số Quảng Đông giảm 272.000 người so với một năm trước, xuống còn 126,57 triệu người.
Tuy nhiên, tỉnh này đã ghi nhận 1,05 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2022, khiến khu vực này trở thành tỉnh duy nhất có hơn 1 triệu ca sinh.
Theo khảo sát, những người trẻ tuổi ở Quảng Đông tỏ ra miễn cưỡng hơn trong việc lập gia đình. Hơn 30% số người sinh sau năm 2000 cho biết họ không có ý định sinh con. Trong số những người không có kế hoạch sinh nở, hơn 70% cho biết tài chính là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, một vài lý do khác bao gồm việc thiếu người chăm sóc trẻ và lo ngại ảnh hưởng sự nghiệp.
Kết quả cuộc khảo sát có thể được xem xét cẩn thận khi lập kế hoạch ngăn chặn suy giảm dân số. Các chuyên gia địa phương đưa ra đề xuất chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho việc sinh thêm con. Trong đó có việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và dịch vụ chăm sóc trẻ với giá cả phải chăng.
Theo SCMP