Ngày 18-10, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”.
Nhiều tồn tại trong định giá đất
Nêu ý kiến tại đây, ông Đào Trung Chính, cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường,) cho biết công tác quản lý và sử dụng đất còn không ít tồn tại, hạn chế.
Một số quy định của pháp luật về giá đất đã không còn hiệu quả trong thực tiễn, bộc lộ một số hạn chế.
Đơn cử như một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất và công tác quản lý nhà nước về giá đất trong bối cảnh cơ sở dữ liệu về giá đất chưa hoàn thiện.
Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng trong lựa chọn.
“Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Quy định về việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất phải căn cứ vào kế hoạch định giá đất cụ thể, tuân thủ pháp luật về đấu thầu.
Từ đó, dẫn đến một số trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn thực hiện, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ định giá đất", ông Chính cho hay.
Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thị Khánh Tâm cho biết, trong thực hiện xác định giá đất còn có những vướng mắc. Ví như cùng 1 thửa đất nhưng áp dụng các phương pháp định giá khác nhau nên cho ra kết quả khác nhau.
Nếu đất dưới 30 tỉ đồng, áp dụng phương pháp hệ số K; còn trên 30 tỉ đồng, áp dụng theo 4 phương pháp.
Tuy nhiên, theo bà Tâm cùng tuyến đường nhưng giá đất có kết quả khác nhau do áp dụng phương pháp định giá đất khác nhau. Chưa kể dự án khi thay đổi quy hoạch phải xác định tài chính bổ sung.
Hoàn thiện quy định về tài chính đất đai, giá đất
Từ thực tế bất cập hiện nay về xác định giá đất, để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ông Chính cho rằng cần thể chế hóa tinh thần nghị quyết số 18.
Theo đó tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất.
“Bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.
Đồng thời dự thảo luật cũng làm rõ thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực...
Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường...
Không "tận thu"
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng Nhà nước cần xác định giá đất, quyết định giá đất để điều tiết thị trường, không định giá đất "theo đuôi" thị trường, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn FDI.
Ông đề nghị Nhà nước chỉ nên thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hợp tình, hợp lý với quan điểm "không tận thu".
Bởi nhà nước nếu "có thu ít một chút" thì doanh nghiệp và người dân "có thêm tiền một chút" và sẽ sử dụng số tiền dôi dư thêm này để đầu tư hoặc để tiêu dùng, góp phần kích thích, tăng tổng cầu đầu tư, tổng cầu tiêu dùng.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho rằng quản lý giá đất và tài chính đất là vấn đề khó khăn của các địa phương hiện nay. Do đó cần giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Quan điểm các phương pháp xác định giá đất thì ước tính khác với tính toán vì ước tính là tương lai còn tính toán là vấn đề của hiện tại và quá khứ. Do đó làm sao có các giải pháp để sử dụng đất có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) cao nhất 37,0553 áp dụng với đất tái định cư dự án vành đai 3 tại TP Thủ Đức, TP.HCM.