Ngày 18-10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội thảo khoa học các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ với việc triển khai Nghị quyết số 24.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá hội thảo là dịp để nhìn lại sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (nghị quyết số 24) một năm trước.
Cùng với 5 nghị quyết về phát triển các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước đã nâng tầm liên kết vùng trở thành một điểm nhấn quan trọng của nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Qua đó, góp phần phục vụ việc tổng kết, đánh giá chủ trương quan trọng này qua 40 năm Đổi mới; chuẩn bị một bước cho việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đặc biệt, đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 24 vào thực tiễn của các địa phương trong vùng. "Nhất là tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết, tránh tình trạng Nghị quyết rất rõ, rất hay nhưng thực hiện còn rất hạn chế. Cho nên hội nghị này ý nghĩa trước hết là vấn đề tổ chức, triển khai thực hiện", ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 24 thật sự là chìa khóa, động lực mới để vùng Đông Nam bộ, với tất cả tiềm năng to lớn và sự năng động phát triển của mình cất cánh vươn lên trong thời gian tới.
Đặc biệt, Nghị quyết một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán: muốn liên kết vùng thành công phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương; quán triệt sâu sắc nguyên tắc "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng", "cả nước vì vùng, vùng vì cả nước"; giúp các địa phương trong vùng tận dụng tốt vị trí kết nối, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Mặt khác, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh 6 kết nối trọng tâm trong hợp tác - phát triển vùng Đông Nam bộ bao gồm kết nối hạ tầng phát triển vùng; kết nối thể chế phát triển vùng; kết nối về thị trường và doanh nghiệp; kết nối nguồn nhân lực và tri thức…
Trong đó, đối với kết nối hạ tầng phát triển vùng, ông Thắng nhận định hệ thống hạ tầng là điểm nghẽn quan trọng cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển Vùng Đông Nam Bộ. Do đó, ông đề nghị các địa phương hết sức chú trọng tăng cường đầu tư phát triển, củng cố hạ tầng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Đây là những thách thức rất lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của vùng, đòi hỏi các địa phương phải phối hợp, chia sẻ nguồn lực, có sự hỗ trợ của Trung ương trong xây dựng, triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các dự án hạ tầng, đặc biệt những dự án liên quan đến nhiều địa phương khác nhau", ông Thắng nói.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Bình Phước cao nhất vùng Đông Nam bộ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho hay sau một năm thực hiện Nghị quyết số 24, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, Bình Phước đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) phục hồi tích cực và tăng cao, ước đạt 7,36%. GRDP của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 4,24%, cao nhất vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 17 của cả nước.
Trong đó, sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả cao và lần đầu lọt top 10 của cả nước.
Ngoài ra, văn hóa - xã hội có nhiều nét nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; tình hình đời sống, sinh hoạt tôn giáo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; công tác đối ngoại được duy trì, củng cố, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi định hướng quy hoạch chung hướng đến mô hình TOD, phát triển đô thị đa trung tâm, hệ thống đường sắt đô thị trong vai trò liên kết vùng.