Sử dụng tia sáng cấu thành từ ánh nắng Mặt Trời làm tan bụi Mặt Trăng, những phi hành gia tương lai có thể xây được lối di chuyển. Tính khả thi của một công cụ như vậy vừa được chứng minh bởi một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi kỹ sư Juan-Carlos Ginés-Palomares công tác tại Đại học Kỹ thuật Berlin.
Những con đường dạng này sẽ có thể trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ các hoạt động trên Mặt Trăng, khi cung cấp lối đi lại dễ dàng cho các tàu thăm dò cũng như đường vận chuyển vật tư, thiết bị.
Trước đây, việc di chuyển làm văng rất nhiều bụi lên không, có thể gây hư hại cho các thiết bị nghiên cứu vốn rất nhạy cảm. Triệt tiêu được bụi Mặt Trăng sẽ làm tăng tuổi thọ các hệ thống thiết bị dùng trong môi trường khắc nghiệt, đồng thời giúp việc di chuyển qua lại dễ dàng hơn.
Mặt Trăng sẽ là tiền đồn giúp nhân loại vươn tới những mục tiêu xa hơn trong Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, lực hấp dẫn của Mặt Trăng thấp, đồng nghĩa với việc bụi nơi đây dễ bị văng lên không trung. Công tác dọn bụi làm đường có thể hạn chế nhược điểm này của Mặt Trăng, đồng thời tăng tuổi thọ tàu thám hiểm cũng như các thiết bị trên nó.
Ý tưởng của nhóm nghiên cứu được đưa ra trên tạp chí Scientific Reports hôm 12/10 vừa qua. Nhóm của ông Ginés-Palomares đề xuất sử dụng một thấu kính hội tụ ánh nắng Mặt Trời, dùng sức nóng để làm tan chảy bụi trên bề mặt Mặt Trăng.
“Một thấu kính hội tụ ánh sáng sẽ trực tiếp dùng ánh nắng Mặt Trời, không cần bước quy đổi năng lượng mặt trời thành điện năng nữa”, kỹ sư Ginés-Palomares nhận định. Theo ý ông, việc trực tiếp dùng ánh nắng Mặt Trời để xây đường trên Mặt Trăng sẽ bớt tốn kém hơn sử dụng một thiết bị làm tan bụi chạy bằng điện Mặt Trời.
Thiết bị đề xuất sẽ sử dụng một thấu kính khổng lồ có đường kính lên tới 2 mét. Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một tia laser có sức mạnh tương đương để thử làm tan bụi Mặt Trăng.
Dùng ánh sáng tập trung bắn vào lớp đất mặt giả lập, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra những viên “gạch” rộng tới 25 centimet để lát đường. Trong môi trường giả lập, nhóm sử dụng tia laser để tạo ra những viên gạch với những hình dáng khớp được với nhau, nhằm tìm ra phương pháp lát đường tối ưu.
Kết quả ban đầu rất khả quan, nhưng sẽ mất nhiều năm để nhân loại xây được con đường đầu tiên trên Mặt Trăng. Kỹ sư Ginés-Palomares cũng đồng thời thắc mắc về khả năng chống đỡ lực đẩy tên lửa của lớp gạch Mặt Trăng, bên cạnh đó là hiệu năng của gạch trong môi trường lực hấp dẫn yếu.
Đây sẽ là những khía cạnh đáng nghiên cứu trong những thử nghiệm tương lai.
Xem thêm: nhc.21600180910132881-iort-tam-gnan-hna-gnab-gnart-tam-nert-gnoud-yax-hcac/nv.fefac