Câu chuyện này đang diễn ra tại Trường THPT Chi Lăng, TP Pleiku.
Thầy cô tìm đến tận nhà
Một buổi chiều, căn phòng nằm phía sau các khối nhà cao tầng ở Trường THPT Chi Lăng dù đã tan giờ nhưng vẫn có chừng chục học sinh ở lại. Trên hai chiếc bàn nhỏ, cả học sinh nữ lẫn nam tay cầm bút, mặt không rời mấy trang sách có phần bài tập hóc búa cần nhóm bàn thảo phương pháp giải. Trang giấy trắng trong chốc lát đã chi chít những dãy số và chữ nháp.
Cô Phan Thị Thanh, chủ nhiệm lớp 10A7, cho biết đây là lớp học đặc biệt mà thầy hiệu trưởng đã kỳ công đi tìm rồi đưa các em về. Lớp có 43 em, trong đó hơn một nửa thuộc diện "được mời về" trường nuôi ăn học. Không phải đối tượng nghèo hay chính sách, đây là những học sinh ưu tú, vừa học hết lớp 9 và đoạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối lớp 9 tỉnh Gia Lai.
Thầy Đỗ Bách Khoa - hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng - cho biết từ năm học 2023 - 2024 nhà trường có chính sách mời gọi học sinh giỏi vừa học hết bậc THCS trên toàn tỉnh Gia Lai về trường. Học sinh được đưa đón tận nơi, được bố trí ăn ở trong ký túc xá của trường, được học hết THPT mà không mất khoản chi phí nào, kể cả học tiếng Anh và thi các chứng chỉ Anh ngữ, tin học quốc tế.
"Nhiều học sinh nhà ở K'Bang, Ayun Pa cách trường gần 100km nhưng chúng tôi muốn các em nắm bắt cơ hội nên thầy cô động viên nhau ráng tìm tận nơi. Năm đầu làm tốt, giúp được nhiều học sinh vùng khó khăn tiếp cận môi trường học tập tốt thì các năm tới học sinh sẽ tự tìm tới để xin học bổng" - thầy Khoa nói.
Hàng chục giáo viên "phục vụ" 43 học sinh
Thầy Khoa cho biết do thời gian triển khai chính sách mới bắt đầu từ cuối năm học trước nên hiện tại mới có gần 30 học sinh được nhận vào trường. Ngoài học các chương trình theo quy định, học sinh ở đây được khuyến khích tự chọn các năng khiếu, sở trường của mình để theo đuổi.
Sau khi đưa về trường, học sinh được xếp lớp 10A7. Đây là lớp học "nhân tài" được các thầy cô tổ chức mô hình dạy học theo hướng chuyên sâu. Lớp 43 học sinh nhưng mỗi em đều có thầy cô bộ môn bồi dưỡng, sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc để học sinh hứng thú theo học và đạt kết quả tốt nhất.
"Thầy cô giáo không muốn đào tạo các em để nhằm thi thố, đoạt giải. Chúng tôi muốn trao cho các em cơ hội học tập rộng mở, để khi qua lớp 12 thì từng em tự chọn cho mình hướng đi ra cuộc đời rộng mở. Các em sẽ có cơ hội được đi thăm và nói chuyện với các kỹ sư người Việt ở trụ sở Google, được đến xem trực tiếp dây chuyền robot tự động tại Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc, LG... Những chuyến đi kỳ thú như vậy sẽ nuôi lớn ước mơ để học sinh theo đuổi và tương lai sẽ là những người trẻ của Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ có những kỹ sư chuyên gia giỏi" - thầy Khoa kỳ vọng.
Góp phần đào tạo các chuyên gia tài năng
Trường THPT Chi Lăng là trường tư thục, hiện có khoảng 1.000 học sinh theo học. Thầy Đỗ Bách Khoa cho biết khi nhận học sinh giỏi vào hỗ trợ ăn học, nhà trường mong muốn học sinh phát huy được năng lực của mình để sau này trở thành các chuyên gia tài năng. "Mức hỗ trợ tùy theo từng mức, nếu học sinh đoạt giải nhất, nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì được đài thọ 100% kinh phí, kế đó là các mức khác. Kinh phí chúng tôi trích từ hoạt động trong trường" - thầy Khoa nói.
Như một giấc mơ
Phan Trần Ngọc Hải, nhà ở huyện Krông Pa (Gia Lai), cho biết em đoạt giải nhất học sinh giỏi toán cấp tỉnh năm học lớp 9. Ba lái xe, mẹ giáo viên, Hải tính sẽ học trường THPT ngay gần nhà nhưng một buổi tối bất ngờ được đón thầy hiệu trưởng tới nhà mời đi học. Tương tự, Nguyễn Gia Huy - nhà ở thị xã An Khê - cũng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa năm lớp 9. Ba làm giáo viên, mẹ làm văn thư. "Thầy Khoa và các thầy cô tới nhà làm em rất bất ngờ, mọi thứ cứ như là giấc mơ" - Huy nói.
TTO - Không chỉ mời gọi và tổ chức xe đưa đón về nhận công tác, nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học còn được tỉnh Quảng Nam bố trí chỗ ăn ở, đặt hàng để bố trí vào các vị trí quan trọng khi về tỉnh này dạy học.