Năm ngày qua, hàng nghìn người tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lâm vào cảnh đảo lộn sinh hoạt do bị cắt nước. Đây không phải lần đầu cư dân khu đô thị vạn người với 23 tòa nhà gặp vấn đề về nước sinh hoạt.
Khủng hoảng nước sạch
Bốn ngày sau sự cố mất nước, bữa cơm tối của gia đình anh Bùi Đức Cửu (sinh năm 1984) với ba thành viên bắt đầu sau khi anh xuống sảnh chung cư hì hục xách từng xô nước sạch lên nhà ở tầng 15, tòa 3A. Nhu cầu lớn trong khi xe chở nước có hạn nên anh chỉ lấy được một xô, còn lại chia sẻ cho hàng xóm.
Bữa cơm nhà anh Cửu với thịt, canh, rau... đều được đựng trong bát nhựa đi kèm đôi đũa gỗ. Tất cả đều là loại dùng một lần, không cần rửa. "Dùng loại này không quen, bất tiện lắm. Đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường, tôi biết rõ chứ nhưng không còn cách nào nữa" - anh Cửu nói và cho biết ngay lúc này anh thèm cảm giác được tắm vòi hoa sen như ngày thường. Như anh nói, đó là điều xa xỉ.
Cùng tòa nhà với anh Cửu, bà Đặng Thị Phương Hoa tỏ ra bối rối khi nhìn vào chồng bát đũa đã ba ngày chưa rửa, nhiều chiếc đã lên màu mốc xanh đỏ. Doanh nghiệp cung cấp cắt nước đột ngột khiến bà Hoa không kịp trở tay. Mấy ngày nay, bà cùng chồng phải ăn ở ngoài. Để bổ sung chất xơ, người phụ nữ lựa chọn giải pháp mua các loại củ, quả không phải rửa như rau mà chỉ cần bóc vỏ.
Cuộc sống của anh Cửu, bà Hoa và hàng nghìn hộ dân trong khu đô thị Thanh Hà đang trải qua cuộc khủng hoảng nước sạch chưa rõ thời gian kết thúc. Nguồn nước ít ỏi xách được mỗi tối cũng được cư dân tiết kiệm, thậm chí tận dụng lại cả nước thải sinh hoạt, nước đánh răng, nước tắm cho các mục đích sử dụng không thiết yếu khác.
Mâu thuẫn giải pháp khắc phục
Đầu tháng 10, cư dân khu đô thị Thanh Hà phản ánh nước sinh hoạt của họ có màu sắc khác thường, mùi clo rất đậm và nồng. "Trong phòng tắm đóng kín cùng với hơi nước nóng bốc lên nồng nặc mùi clo rất khó thở, cảm giác tức ngực", chị Trần Thanh Hà (tòa HH03D) miêu tả. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ sau đó phải đến các cơ sở y tế điều trị tình trạng mẩn ngứa, bong tróc da. Cư dân khu đô thị sau đó đã tập trung phản ánh tình trạng này tới chính quyền, công ty nước sạch và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Ngày 10-10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
Ông Dương Đình Trình, phó giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, giải thích nước cấp cho khu đô thị Thanh Hà gồm hai nguồn khác nhau là nguồn khai thác ngầm và nguồn nước mặt sông Đuống. Thời gian qua, công ty đã tăng sản lượng nước từ nguồn nước ngầm nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh.
Sau buổi làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan vào hôm 13-10, công ty này đã quyết định cắt nguồn nước giếng khoan mà chỉ cung cấp nước cho khu đô thị từ nguồn nước sạch sông Đuống. Lưu lượng nước sông Đuống về trung bình chỉ khoảng 900m3/ngày, chưa bằng 1/3 so với nhu cầu sử dụng của khu đô thị.
Trước tình trạng thiếu nước, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết sẽ làm việc với đơn vị cấp nước về khả năng nâng sản lượng nước sạch về cho khu đô thị Thanh Hà. Nếu không làm được, UBND huyện Thanh Oai sẽ có văn bản cho khởi động lại trạm sản xuất nước ngầm trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đề xuất trên gặp phải phản ứng của cư dân khu đô thị Thanh Hà bởi họ cho rằng điều này sẽ lặp lại tình trạng nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. "Cơ quan chức năng có nói sẽ cải tạo nguồn cung cấp từ nước ngầm, nhưng chúng tôi không thể yên tâm sau những gì đã xảy ra. Điều này liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng chục nghìn người" - ông Phan Minh Châu, tổ trưởng tổ dân phố số 4 khu đô thị Thanh Hà, nói.
Đề ra một giải pháp khác mang tính lâu dài, ông Dương Đình Trình đề xuất được xây dựng đoạn đường ống truyền dẫn nước khoảng 1km kết nối trực tiếp với hệ thống đường ống cấp nước sạch sông Đuống ở ngã ba Xa La (Hà Đông). Ông Trình cho rằng đây là giải pháp tối ưu để đảm bảo việc cấp nước ổn định cho cư dân khu đô thị. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được Sở Xây dựng chấp thuận.
Như vậy, cả hai giải pháp cải thiện việc cấp nước đều gặp vướng mắc. Với giải pháp khởi động lại nguồn khai thác nước ngầm có thể làm ngay nhưng gặp sự phản đối của cư dân bởi ô nhiễm. Trong khi đó, giải pháp xây dựng tuyến ống kết nối dài 1km lại gặp vướng mắc về cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội. Đồng thời, việc này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
Cần trách nhiệm phối hợp của chủ đầu tư và cơ quan quản lý
Trước sự việc thiếu nước sinh hoạt tại khu đô thị Thanh Hà những ngày qua, trao đổi với Tuổi Trẻ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết hiện nay trong quy hoạch chuyên ngành đã xác định rất rõ các đường ống cấp nước của từng phân khu tại Hà Nội.
Đối với những khu vực phát triển đô thị mới, sau khi xây dựng xong hệ thống cấp nước nội bộ, chủ đầu tư phải kết nối với mạng lưới đường ống chung. Tuy nhiên việc kết nối ở vị trí nào và kết nối ra sao phải được sự đồng ý và hướng dẫn của cơ quan quản lý, không thể đấu nối tùy tiện.
"Việc này là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý", ông Nghiêm nói và cho biết việc này cần hoàn thành trước khi đưa cư dân về sinh sống. Sự chậm trễ trong phối hợp đã dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt như thời gian qua, đồng thời là bài học cho việc kiểm soát phát triển các khu đô thị mới.
Ngoài ra, ông Nghiêm cũng nêu những nguyên nhân khác gây thiếu hụt nước trong
cấp sinh hoạt cho người dân Hà Nội. Đáng chú ý một số nhà máy nước đầu nguồn của TP đang thi công chậm so với kế hoạch như Nhà máy nước mặt sông Hồng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước suy giảm và các con sông thay đổi dòng chảy đã gây khó khăn cho việc khai thác nước mặt.
Thứ hai, nguồn nước ngầm cũng đang trở thành vấn đề thách thức đối với cả nước. Nguồn nước này vừa suy giảm vừa có nguy cơ ô nhiễm rất cao. "Cả hai phương thức khai thác đều gặp khó khăn. Sắp tới cần đặt ra vấn đề khai thác nước ngầm cần phải cấp phép, đồng thời cần đa dạng hóa các phương thức khai thác nước nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ", ông Nghiêm nói.
Nghe tiếng loa thông báo xe chở nước sạch về, bà Tứ vội vàng xách bốn thùng nhựa tất tả chạy đi lấy nước về tích trữ dùng ăn uống. Bà cũng như hàng ngàn hộ dân khác ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đang thiếu nước sạch do hạn hán kéo dài.