Trong suốt 18 tháng của cuộc chiến, ông Biden chỉ có một câu trả lời cho yêu cầu viện trợ tên lửa tầm xa ATACMS của Ukraine, cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng tư với ông Zelensky: Không.
Theo báo New York Times, ông Biden cho rằng loại vũ khí này có thể vượt qua một trong những “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Nga vẫn thường xuyên dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Giằng co ngay trên chính trường Mỹ
Vụ nổ tại hai căn cứ không quân trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền nam và miền đông Ukraine hôm 17-10 cho thấy ông Biden đã đảo ngược quyết định về việc gửi ATACMS cho Ukraine.
Giữa đống đổ nát của máy bay trực thăng Nga, có bằng chứng cho thấy các căn cứ bị Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công.
Câu chuyện ông Biden thay đổi ý kiến diễn ra như thế nào? Một số quan chức chính quyền Mỹ mô tả Tổng thống Biden rất thận trọng vì sợ quyết định sai và "quyết nói không" cho đến khi gặp áp lực không thể vượt qua.
Thực tế đã có rất nhiều áp lực đổ dồn lên ông Biden. Một số đến từ các thành viên Quốc hội, đặc biệt là hạ nghị sĩ Jason Crow, người đã viết thư cho Nhà Trắng và cho rằng Ukraine cần vũ khí “để nhắm vào các hệ thống hậu cần cùng các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga”.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cũng tăng cường vận động Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, hồi tháng 7 năm nay.
Sau đó, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh họ đang xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo rằng các loại vũ khí đáp ứng đúng nhu cầu.
Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc cung cấp tên lửa tầm xa trong các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden.
Ngoại trưởng Antony Blinken từ lâu đã thúc giục Ukraine sớm được cung cấp thêm vũ khí, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lại phản đối.
Theo quan điểm của phe phản đối, Mỹ có nguồn cung cấp ATACMS hạn chế và việc giao vũ khí cho người Ukraine, vốn đang tiêu thụ đạn dược với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức cần thiết, sẽ khiến Mỹ và các đồng minh của họ dễ bị tổn thương.
Ngoài ra còn có rào cản liên quan đến ngân sách. Nhà Trắng đã tiêu hơn 40 tỉ USD mà Quốc hội đã phân bổ để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa phản đối việc chi tiêu nhiều hơn. Giá của ATACMS cũng không rẻ: 1,5 triệu USD/chiếc.
Chấp nhận leo thang căng thẳng với Nga
Đến tháng 9 năm nay, nhóm của ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, đưa ra bản phân tích và đề xuất. Trong đó, họ kết luận nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga không còn là vấn đề lớn.
Theo bản phân tích, Vương quốc Anh đã bắt đầu cung cấp tên lửa Storm Shadow vào tháng 6-2023 cho Ukraine với tầm bắn gần bằng ATACMS. Tuy nhiên, Tổng thống Putin hầu như không phản ứng.
Theo tư vấn của nhóm ông Sullivan, các máy bay trực thăng và máy bay khác mà người Nga bố trí trên lãnh thổ chiếm đóng ở Ukraine thường là ở các sân bay. Và chúng đều là mục tiêu của tên lửa tầm xa ATACMS.
Tại các cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhất trí về việc cung cấp phiên bản ATACMS có tầm bắn chỉ 161km cho Ukraine. Phiên bản này còn được trang bị đạn chùm, có khả năng gây sát thương tối đa cho các mục tiêu không được bảo vệ như máy bay.
Đề xuất ATACMS đã được các quan chức khác trong chính quyền chấp nhận và Tổng thống Biden đã đồng ý. Ông Biden đã nói với ông Zelensky khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Washington vào tháng 9 và cả hai cùng đồng ý không công bố quyết định.
Tuy nhiên, việc Mỹ quyết định cung cấp ATACMS sau đó đã bị rò rỉ ra ngoài, nhưng thời gian của chuyến hàng gửi đến Ukraine vẫn được giữ bí mật. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây bất ngờ cho người Nga, trước khi họ có thời gian di chuyển trực thăng ra khỏi tầm bắn. Đó là những gì dường như đã xảy ra vào ngày 17-10 vừa qua.
Tổng thống Putin gọi quyết định gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev là sai lầm, một ngày sau khi Ukraine xác nhận sử dụng loại vũ khí này tấn công hai sân bay Nga.