Với niềm đam mê sáng chế, ông Lưu Quang Trương đã cho ra đời nhiều loại máy móc, trong đó có một số được sử dụng rộng rãi tại địa phương.
Những sáng chế vì nông dân
Trong số các loại máy móc của ông Trương, có thể kể đến hệ thống máy tuốt vỏ đậu phộng, ép dầu phộng bằng thủy lực và máy cày đất cải tiến từ máy cắt cỏ.
Gian nhà xộc xệch phủ đầy vỏ đậu phộng và bánh dầu đậu phộng từ mùa vụ trước. Chiếc máy tuốt vỏ đậu được ông chế tạo rất đơn giản, gồm giàn khung sắt quay tròn nhờ vào một động cơ xăng, đậu phộng sẽ được tách ra rất nhanh.
Theo ông Trương, máy tuốt vỏ đậu này có thể sử dụng cho các loại ngũ cốc, sau khi tuốt vỏ, đậu sẽ được xay thành bột, sau đó hấp chín và ép thành dầu. Từ 2,5kg đậu phộng, máy ép được 1 lít dầu, so với phương pháp cũ thì chỉ cho lượng dầu bằng 1/3 so với lượng dầu máy ép được.
Máy ép dầu được vận hành bằng động cơ D8. Ông Trương tận dụng các bơm cao áp của ô tô, có thể ép kiệt dầu trong bã đậu với lực ép khoảng 100 tấn. Phần bã sau khi ép (bánh dầu) được dùng làm phân bón cho cây trồng và thức ăn gia súc.
Với những hiệu quả mang lại, hệ thống máy trên đã đoạt giải ba Hội thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa năm 2017.
Ngoài ra, chiếc máy cày đất được cải tiến từ máy cắt cỏ của ông cũng được biết đến rộng rãi.
Sử dụng động cơ và một số chi tiết của xe máy, ông Trương đã chế tạo ra máy cày đất đa năng, có thể dùng để cắt dọn cỏ, xới đất, lên luống đất tại các đám mì, mía mà không đụng đến cây trồng.
Ông Trương thay thế đầu và lưỡi của máy cắt cỏ truyền thống bằng một hệ thống truyền lực có bánh xe. Trong một ngày, chiếc máy có thể giúp người nông dân dọn cỏ, cày đất được khoảng 4 sào đất mà chỉ tiêu hao 1 lít xăng.
Ngoài những loại máy trên, ông Trương còn sáng chế một số loại máy phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau như máy làm cỏ sắn, mía, hệ thống máy xay cát, rửa cát, sàn cát từ đất núi…
Tự tìm tòi để mong nông dân đỡ vất vả
Hiện nay, các sản phẩm của ông Trương được nhiều người dân tại địa phương tin dùng bởi sự tiện lợi, hiệu quả. Ông đã bán kha khá máy móc cho nông dân không chỉ ở Khánh Hòa mà còn ở các địa phương khác.
Tuy xuất thân là thợ cơ khí nhưng chủ nhân của những loại máy móc này chỉ mới học hết lớp 3. Gia đình thuần nông, cực khổ, bản thân ông vốn chưa theo học một lớp đào tạo về cơ khí nào, tất cả đều là đam mê và tự tìm tòi, học hỏi.
Ai muốn biết và tìm hiểu cách chế tạo các loại máy móc này, ông Trương đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
"Có lẽ điều khiến tôi tìm đến việc sáng chế máy móc là nhìn thấy được sự cực khổ của người nông dân nơi đây, vốn dĩ gia đình tôi thế hệ trước đây làm nông rất vất vả, nên những thứ tôi làm ra đều mong muốn cho nhà nông được tiếp xúc với những loại máy móc tiện lợi, hiệu quả, tiết kiệm được thời gian, công sức" - ông Trương chia sẻ.
Bà Triệu Thị Kim Chi - chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam - cho biết ông Lưu Quang Trương là một hội viên tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua khoa học, nhất là các loại máy móc phục vụ nông nghiệp,
"Các loại máy móc do ông Trương chế tạo góp phần giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, từ đó tăng hiệu quả kinh tế" - bà Chi nói.
Hơn 350 đơn vị triển lãm của 30 quốc gia đã chọn đến Việt Nam để trưng bày, giới thiệu hàng loạt sản phẩm, công nghệ mới trong ngành chăn nuôi, thủy sản, chế biến sản phẩm...