Đêm trắng ở xóm ngư phủ
Đồng hồ điểm 19 giờ, con đường bê tông dẫn vào xóm chài Đông An (xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam) thường ngày giờ này rất đông người qua lại, nhưng đêm 19.10, trước thời điểm đón những ngư dân gặp nạn trên tàu cá mang số hiệu QNa-90129 TS, ở vùng biển Trường Sa trở về thì lại chìm trong vắng lặng đến đáng sợ.
Tại ngôi nhà nhỏ của ngư dân Đặng Thống Thới (62 tuổi), 1 trong 12 ngư dân đang mất tích, bên gian nhà dưới, có nhiều người thân, hàng xóm đến. Ngày thường, họ nói chuyện với nhau rất rôm rả. Nhưng hôm nay tất cả chỉ im lặng, hầu như mọi giao tiếp chỉ bằng ánh mắt.
Trong số đó, có những người phụ nữ gục trên vai người bên cạnh. Nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt sưng húp sau nhiều đêm dài thức trắng.
Hôm nay là ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10), nhưng hôm qua, tất cả bà con ở đây đều gác lại niềm vui riêng của mỗi người để cầu nguyện cho những ngư dân còn mất tích đâu đó nơi vùng biển Trường Sa. Họ đến đây, cũng để bàn với nhau phương án ngày mai đón những ngư dân gặp nạn may mắn còn sống sót trở về lại làng chài này.
Ngồi thất thần trước hiên nhà, ánh mắt anh Đặng Thế Công (37 tuổi, con trai ngư dân Thới) hướng xa về phía biển, như thể đang ngóng tin của cha mình. "17 năm, nỗi đau đã lặp lại sau cơn bão Chanchu. Đau đớn vô cùng!", anh Công buông dài.
Nỗi đau mà anh Công nói chính là cơn bão Chanchu xảy ra năm 2006, cướp đi sinh mạng của chú ruột anh cùng hàng chục ngư dân khác trong làng. 17 năm sau, nỗi đau đó một lần nữa lặp lại với người thân yêu nhất của anh.
"Thời điểm chú mất, còn nhỏ nên tôi chưa hiểu hết nỗi đau mất mát người thân. Nhưng bây giờ, khi biết cha mình mất tích ngoài kia, chưa tìm được, tôi mới thấu hết được nỗi đau ấy là như thế nào", anh Công buồn bã nói.
Ngư dân Đặng Thống Tới đã có gần 40 năm đi biển. Trong một chuyến đi biển, em trai út của ông Tới (khác người em đã mất nói trên) rơi xuống biển, may mắn được ông cứu sống. Sau lần gặp nạn đó, người em trai đã bỏ hẳn nghề biển, lên bờ.
"Trưa 17.10, nghe tin tàu cá cha tôi đi gặp nạn, nhưng rồi có mấy chục người được cứu. Nghe vậy, tôi chạy đi dò hỏi xem cha tôi có nằm trong danh sách những người may mắn được cứu sống hay không, nhưng kết quả nhận lại khiến tôi rất đau đớn. Cha tôi là 1 trong 12 người trên tàu mất tích giữa biển khơi rộng lớn", anh Công nói trong nước mắt.
Theo anh Công, 3 ngày đã trôi qua nhưng tung tích cha anh vẫn biệt vô âm tín, sự sống đang thật sự mong manh. Tuy nhiên, cả nhà vẫn đã trông đợi vào phép màu. "Ở cái tuổi này đáng lẽ ông đã được nghỉ ngơi để con cháu lo, nhưng vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên vẫn phải bươn chải với nghề", anh Công nói.
"Thật sự mất mát này quá lớn, anh em chúng tôi khó mà chấp nhận nổi. Ngày mai mọi người ra đón những người may mắn sống sót trở về. Tôi với mẹ không dám ra, một phần vì sợ, phần thì không thiết tha gì, vì cha tôi vẫn chưa được tìm thấy. Có những người không may mất đi nhưng còn tìm thấy xác, nhưng cha tôi thì…", anh Công nghẹn lại.
"Nỗi lo đã thành sự thật"
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chị Mai Thị Nghị (42 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) trắng đêm chờ chồng. Ngư dân Đinh Văn Phương (chồng chị Nghị) hiện vẫn mất tích cùng với chiếc tàu cá mang số hiệu QNa-90129 TS.
Chuyến trước, anh Phương đi hơn 2 tháng, về được 20 triệu đồng đưa hết cho vợ. Ở nhà 10 ngày rồi anh lại tiếp tục lênh đênh trên biển.
"Từ tháng 10 trở đi, mọi chuyến biển đều mang nặng nỗi lo. Bởi, thời điểm này thời tiết trên biển bão gió bất thường. Mỗi khi nghe báo tin thời tiết xấu ở đất liền là tôi lo. Lo từ năm này qua năm khác, giờ nỗi lo đã trở thành sự thật", chị Nghị nói.
Nói xong, chị thất thần như người vô hồn, mọi câu hỏi tiếp theo hướng đến chị đều nhận lại sự yên lặng, bởi dường như không lọt vào tai chị nữa.
"Ba ngày trôi qua rồi đó anh ơi! Nếu anh còn sống thì nhanh sớm về với mẹ con em", chị Nghị hướng mắt ra ô cửa sổ nhỏ, thốt lên.
"Ngày mai nhà nhà đi đón người thân may mắn trở về, mẹ con em ra đó đón ai đây? Sao anh không chịu về cùng lúc với mọi người hả anh, sao giờ này anh vẫn không có tin tức gì vậy? Về đi chớ, anh ơi!", chị Nghị nói với hàng nước mắt lăn dài trên gò má.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 1 giờ ngày 17.10, tàu cá QNa-90927 TS do ông Trần Công Trường (42 tuổi, ở xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, đang hoạt động cách bờ biển TP.Quy Nhơn khoảng 240 hải lý và cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý thì bị lốc xoáy đánh chìm. Tàu cá QNa-91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã cứu được 38 ngư dân trên tàu cá QNa-90927 TS, 1 ngư dân của tàu này mất tích.
Lúc 19 giờ 30 ngày 16.10, tàu cá QNa-90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên (57 tuổi, ngụ xã Tam Giang) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam thì bị lốc xoáy đánh chìm.
Nhận tin, tàu cá QNa-90039 TS hoạt động gần khu vực này đã đến cứu được 40 thuyền viên, 14 ngư dân đang mất tích. Đến trưa 17.10, ngư dân cứu được thêm 2 người nhưng sau đó đã tử vong. Hiện 12 người vẫn còn mất tích.