Một nhóm các nhà nghiên cứu đã cho máy bay NASA bay ở độ cao qua Alaska và đất liền nước Mỹ để lấy mẫu thành phần hóa học của không khí loãng trong tầng bình lưu - lớp thấp thứ hai của bầu khí quyển Trái đất, cao khoảng 10km - 50 km trên bề mặt hành tinh.
Các máy bay WB-57 và ER-2 của NASA cho phép các nhà nghiên cứu đạt được độ cao lên tới 19 km, tức là cao hơn khoảng 9 km so với độ cao của máy bay thương mại.
Các cảm biến nhạy cảm đặt ở mũi máy bay đã phân tích các hợp chất hóa học được phát tán trong lớp không khí ở tầng bình lưu, nằm ngoài tầm của các nguồn ô nhiễm không khí trên Trái đất.
Kết quả, họ tìm thấy dấu vết của lithium, nhôm, đồng và chì trong mẫu không khí. Nồng độ được phát hiện của các hợp chất này cao hơn nhiều so với những gì có thể gây ra từ các nguồn tự nhiên, chẳng hạn như sự bốc hơi của bụi vũ trụ và thiên thạch khi chúng tiếp xúc với khí quyển.
Trên thực tế, nồng độ của các chất ô nhiễm này phản ánh tỉ lệ các hợp chất hóa học có trong hợp kim được sử dụng trong sản xuất vệ tinh, theo các nhà nghiên cứu.
Dan Cziczo, giáo sư về khoa học Trái đất, khí quyển và hành tinh tại Đại học Purdue ở bang Indiana và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đang tìm thấy vật liệu nhân tạo này ở nơi mà chúng tôi coi là khu vực nguyên sơ của khí quyển”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Càng nhiều vệ tinh, càng ô nhiễm
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra khi số vụ phóng tên lửa và vệ tinh quay trở lại tầng trên của bầu khí quyển Trái đất ngày càng tăng.
Ví dụ, oxit nhôm, sản phẩm của quá trình đốt cháy hợp kim gốc nhôm, được biết đến với khả năng phá hủy tầng ozone. Thật trùng hợp, tầng ozone của Trái đất, lớp bảo vệ sự sống trên hành tinh khỏi bức xạ tia cực tím (UV) có hại, lại nằm trong tầng bình lưu, nơi tìm thấy các chất ô nhiễm.
Ông Aaron Boley, phó giáo sư thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học British Columbia ở Canada, nói với Trang tin Space.com: nồng độ oxit nhôm quá cao trong tầng bình lưu có thể dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ trong tầng bình lưu, có thể gây ra những hậu quả không lường đối với khí hậu Trái đất.
Đây là án phạt điển hình đầu tiên mà giới chức Mỹ áp đặt, để xử lý trường hợp vi phạm quy định về xử lý rác vũ trụ.