Đây thực sự là một thảm kịch, đặc biệt một cơ sở hoàn toàn mang tính nhân đạo đã bị tấn công.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án mạnh mẽ vụ thảm sát và quyết định ba ngày quốc tang.
Điều này làm tôi nhớ lại Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom tháng 12-1972 trong lúc có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm, đánh sập nhiều khu nhà làm việc và khu nhà điều trị, nhiều người chết và bị thương.
Cả Israel và Hamas đều đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công, trong đó Tel Aviv cáo buộc phong trào Thánh chiến Hồi giáo Jihad Islami Palestine phóng tên lửa sang Israel, nhưng đã đi chệch mục tiêu và rơi vào bệnh viện.
Các cuộc biểu tình rầm rộ bùng nổ khắp nơi tại các nước Ả Rập và nhiều nước trên thế giới phản đối hành động tội ác này, nhiều nước nêu đích danh Israel.
Liên Hiệp Quốc, Liên đoàn Ả Rập (AL), Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... và hầu như cả thế giới đều lên án mạnh mẽ hành động này, coi đây là tội ác chiến tranh và yêu cầu phải tiến hành điều tra khẩn cấp để tìm ra thủ phạm.
Việc điều tra để xác định ai là người thực hiện vụ không kích này không có gì khó. Gaza là nơi các vệ tinh do thám của Israel và Mỹ theo dõi hết sức chặt chẽ 24/7.
Các vệ tinh tình báo của Israel và Mỹ cứ 10 phút lại chụp ảnh toàn bộ khu vực Gaza và gửi về Trái đất.
Israel hoàn toàn có thể đưa ra các hình ảnh vệ tinh ghi được trước và sau khi bệnh viện bị tấn công để chứng minh địa điểm và thời gian tên lửa được phóng lên và hướng bay của nó.
Mặt khác, khi đống đổ nát của bệnh viện được dọn sạch thì chắc chắn sẽ tìm thấy các mảnh tên lửa và qua đó có thể xác định được nguồn gốc của nó và đây sẽ là bằng chứng không thể chối cãi, trả lời rõ ràng ai đã phóng quả tên lửa này.
Theo các chuyên gia quân sự, cả Jihad Islami và Hamas đều không có các tên lửa có sức công phá lớn như vậy.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết Mỹ đã kêu gọi Israel tuân thủ "luật chiến tranh" trong các hoạt động chống lại phong trào Hamas của người Palestine ở Dải Gaza.
Bà lưu ý rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thường xuyên liên lạc với các đồng nghiệp từ Tel Aviv. Bà nói thêm bà đã biết về vụ tấn công bằng tên lửa vào một bệnh viện ở Dải Gaza nhưng chưa có đủ thông tin để đưa ra bình luận chính thức vào lúc này.
Chính tờ Times of Israel số ra ngày 17-10 đưa tin người phát ngôn quân đội Israel (IDF) chuẩn đô đốc Daniel Hagari phát biểu với giới truyền thông tại Tel Aviv rằng thông tin về một cuộc không kích được cho là của Israel vào Bệnh viện Al-Ahli Arabi vẫn đang được xác minh.
Ông nhấn mạnh rằng ông không biết liệu vụ nổ ở Gaza có phải do cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel hay không?
Tình hình leo thang căng thẳng tại Gaza cho thấy các bên cần phải ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói "Ngay cả chiến tranh cũng có quy tắc". Vụ tấn công bệnh viện ở Gaza khiến hơn 500 dân Palestine thiệt mạng bất chấp quy tắc thì đó chính là tội ác cần phải bị lên án.
Cuộc tấn công khiến hàng trăm người chết tại một bệnh viện trên Dải Gaza vào tối 17-10 đang gây dư luận phẫn nộ và lên án trên toàn thế giới. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất sau hơn 10 ngày xảy ra xung đột Israel - Hamas.