Nuôi ba khía, liệu thành công?
Đứng trước nguy cơ ba khía tự nhiên dần cạn kiệt, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi ba khía tại tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Đình Văn, trưởng Phòng nghiên cứu khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, cho hay qua nghiên cứu và trao đổi, nhận thấy lượng ba khía giảm dần trong những năm gần đây là do bà con khai thác quá mức, cùng với đó là sự thay đổi thời tiết, khí hậu, một số hoạt động đánh bắt khác cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Điều này ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của ba khía trong môi trường sống tự nhiên, cùng với đó là diện tích rừng bị thu hẹp.
Do đó, mục tiêu dự án nhằm xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nuôi ba khía tại Cà Mau, góp phần đa dạng đối tượng nuôi cũng như giảm lượng khai thác tự nhiên, cung cấp nguồn giống cho hộ dân nuôi góp phần bảo vệ nguồn gene.
Theo ông Văn, dự án được thực hiện trong 24 tháng (từ tháng 7-2020 đến tháng 7-2022), hỗ trợ chuyển giao cho ba trại sản xuất giống ở tỉnh Cà Mau, với tỉ lệ sản xuất nhân tạo thành công lớn hơn 15%. Sau khi có con giống sẽ hỗ trợ sáu hộ dân nuôi thử nghiệm, mỗi hộ có diện tích 5ha, sản phẩm ba khía dự kiến trên sáu hộ này là 36 tấn.
"Qua thời gian thực hiện đã cho ra kết quả rất tốt. Còn nuôi thương phẩm do Trường ĐH Cần Thơ triển khai. Tuy nhiên, do nuôi con giống ở môi trường tự nhiên nên tốc độ tăng trưởng còn chậm. Do đó, để có kết quả đánh giá chính xác toàn bộ đề án thì chúng tôi đã gia hạn cho chuyên mục này tới cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Quá trình nuôi cũng đúc kết được kinh nghiệm qua theo dõi thực tiễn để hỗ trợ chuyển giao cho người dân nuôi trồng trong tương lai, tránh khai thác ngoài tự nhiên quá nhiều", ông Văn nói và khẳng định sắp tới sẽ có những quy định về đánh bắt ba khía trong thời gian sinh sản tự nhiên để bảo tồn lượng ba khía.
"Thật ra với con ba khía, nếu mình biết khai thác và giữ gìn hợp lý thì sẽ không bao giờ cạn kiệt", anh Nguyễn Văn Miên, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm ba khía ở Đầm Dơi (Cà Mau), nói cần thiết phải có sự liên kết lại giữa các cơ sở sản xuất, thu mua ba khía trong tỉnh.
Anh Miên chia sẻ: "Cần có quy định và thống nhất dừng khai thác ba khía vào những ngày "ba khía hội" khi con ba khía cái ôm trứng. Chỉ dừng ít ngày, đợi khi ba khía nhả trứng ra tự nhiên thì có thể khai thác lại. Nếu tất cả các điểm thu mua đồng lòng dừng thu mua, người bắt dừng bắt vào thời điểm đó thì con ba khía tự nhiên có cơ hội duy trì được...".
Nhu cầu càng cao, người bắt ba khía càng nhiều
Theo PSG.TS Lý Văn Khánh (khoa thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ), do nhu cầu của thị trường, nhiều sản vật của vùng đất ngập nước ven biển ngày càng hút hàng. Ngày trước, thiên nhiên còn phong phú, đặc sản còn nhiều. Tuy nhiên khi nhu cầu ngày một lớn, người bắt càng nhiều hơn để đáp ứng thì thiên nhiên không thể tái tạo đủ để bù đắp.
TS Khánh kể đơn cử như con cá chốt, thời điểm năm 2006 - 2007, khi nhóm ông thực hiện dự án nghiên cứu cho sinh sản và nuôi thì loại cá này còn nhiều ngoài tự nhiên. Nhiều người chẳng nghĩ có ngày sẽ nuôi con cá chốt, nên không ít người cho rằng đó là "chuyện bá láp".
Nhưng đến giờ thì cá ngoài tự nhiên không còn đủ để đáp ứng nhu cầu, nhiều người đã bắt đầu nuôi cá chốt. "Chúng ta chủ động được nguồn giống nhiều đặc sản địa phương là vấn đề rất cần thiết cho hiện tại và tương lai về sau...", ông Khánh nói.
"Với con ba khía, tôi về vùng Ngọc Hiển, Năm Căn của Cà Mau, bà con đều nói bây giờ đã ít hơn ngày trước rất nhiều. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng thấy điều đó, nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đặt hàng khoa thủy sản (thuộc Trường ĐH Cần Thơ) hợp tác nghiên cứu cho sinh sản và nuôi ba khía.
Họ muốn chủ động nguồn giống ba khía để sản xuất thương phẩm và làm thương hiệu ba khía Cà Mau. Đề tài do PGS.TS Châu Tài Tảo làm chủ nhiệm, hiện đã có thành công bước đầu. Chúng tôi đã cho sinh sản ba khía, nuôi thí điểm ở hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn", ông Khánh cho biết.
Đồng quan điểm, ông Thái Trường Giang, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, cũng cho hay với tình hình khai thác như hiện nay thì sản lượng không chỉ riêng ba khía mà các nguồn lợi khác cũng giảm theo.
Ông Giang cho biết hiện tại ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn cũng có 3 - 4 hộ đang thả con giống ở vuông để nuôi đến khi trưởng thành, song tốc độ phát triển không nhanh và đợi sang năm mới có thể cho ra kết quả.
Tăng chất lượng và nhận diện thương hiệu
Theo ông Trường Giang, vùng nào cũng làm ba khía ngon, song quan trọng là quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công thức chế biến...
Đối với việc phát triển các sản phẩm OCOP nói chung và đặc sản của địa phương nói riêng, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hỗ trợ các chủ thể và hợp tác xã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm của tỉnh.
Bên cạnh đó là hỗ trợ bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ của địa phương, mục đích cho các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, nâng cao giá trị đặc sản.
Cũng theo ông Giang, dự định năm tới sẽ đẩy mạnh thanh tra chất lượng sản phẩm của các nhãn hiệu đã được bảo hộ, không chỉ ba khía mà còn tôm khô, bồn bồn, mắm lóc, mực... Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm sẽ xử phạt và không cho lưu thông.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất - kinh doanh buộc phải đăng ký nhãn hiệu mới xem xét có cấp chứng nhận OCOP hay không. "Hiện tại sở đang triển khai cấp chứng nhận nhãn hiệu ba khía Cà Mau cho những nơi có cơ sở đủ điều kiện.
Trước đó chỉ có ý tưởng làm nhãn hiệu ba khía Rạch Gốc, nhưng sau khi xem xét ba khía của các vùng thì chất lượng không thua kém Đầm Dơi, Năm Căn... nên quyết định lấy nhãn hiệu ba khía Cà Mau để nhiều người biết đến hơn. Mỗi năm, tỉnh sẽ hỗ trợ ngân sách cho bà con khoảng 3 tỉ đồng để đăng ký nhãn hiệu", ông Giang thông tin.
Tính đến nay, đặc sản ba khía đã được nhiều người khắp cả nước biết đến và sử dụng, các sản phẩm từ ba khía đa dạng, quá trình vận chuyển cũng thuận lợi hơn lúc trước. "Tuy nhiên vấn đề xuất khẩu vẫn còn đang hạn chế. Thứ nhất là nhu cầu sử dụng ở các nước chưa cao. Thứ hai, sản phẩm chưa được xuất khẩu qua chính ngạch do còn hạn chế một số thủ tục", ông Trường Giang cho biết.
Vợ chồng anh Miên đã thành công khi đưa thương hiệu ba khía của riêng mình đạt chuẩn OCOP đầu tiên và duy nhất đến nay tại Cà Mau.