Trong những năm gần đây, hàng tỷ con cua tuyết quanh vùng biển Alaska đã mất tích. Các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân: Nhiệt độ đại dương ấm lên có thể đã khiến chúng chết đói.
Phát hiện này được đưa ra sau khi các quan chức Alaska thông báo huỳ bỏ mùa thu hoạch cua tuyết năm thứ hai liên tiếp, vì số lượng cua quá ít.
Các nhà khoa học tại Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia Alaska (NOAA) phát hiện trong các cuộc khảo sát từ năm 2021 đã nói lên mối liên hệ giữa nhiệt độ của Biển Bering và sự biến mất đột ngột của loài cua tuyết.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà sinh vật học thuỷ sản Cody Szuwalski của NOAA cho biết: "Khi tôi nhận kết quả khảo sát đầu tiên năm 2021, tâm trí tôi choáng váng. Mọi người đều mong rằng cuộc khảo sát này đã có sai sót và năm sau sẽ có nhiều cua hơn".
Năm đó là năm đầu tiên nghề đánh bắt cua tuyết ở Alaska phải dừng hoạt động. Những ngư dân cho rằng số lượng cua giảm là do đánh bắt quá mức.
Nhưng hoạt động này đã được kiểm soát bằng các biện pháp bảo tồn, nên không thể lý giải hoàn toàn lý do của lượng lớn cua Alaska biến mất.
Nhà nghiên cứu Szuwalski cho biết biến đổi khí hậu đang thực sự gây trở ngại cho các kế hoạch, mô hình và hệ thống quản lý.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phân tích những gì có thể đã xảy ra với đàn cua từ năm 2020. Họ chia thành hai trường hợp. Thứ nhất là đàn cua đã di chuyển đến nơi khác và thứ hai là chúng đã chết.
Sau khi phân tích phía bắc Biển Bering, phía tây vùng biển Nga và thậm chí cả các tầng sâu hơn của đại dương, họ kết luận rằng không có khả năng đàn cua di chuyển. Chỉ còn lại khả năng lớn nhất là chúng đã chết.
Nhiệt độ ấm hơn và mật độ quần thể có liên quan đến việc những con cua trưởng thành chết nhiều hơn. Và nguyên nhân sâu xa đó là do chúng đang thiếu thức ăn.
Cua tuyết là loài sống ở vùng nước lạnh với nhiệt độ dưới 2 độ C. Nước biển ấm hơn có thể tàn phá quá trình trao đổi chất của cua và làm tăng nhu cầu calo.
Nhưng biển ấm dần lên cũng làm đứt gãy chuỗi thức ăn ở Biển Bering, cua tuyết không tìm được thức ăn để đáp ứng nhu cầu calo của chúng.
Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ xung quanh Bắc Cực đã ấm lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh. Biến đổi khí hậu khiến lượng băng biển ở khu vực Bắc Cực tan nhanh chóng, đặc biệt là ở Biển Bering của Alaska.
Nhà sinh vật học Szuwalski cho biết: "Năm 2018 và 2019 là một năm cực kỳ bất thường về băng ở Biển Bering, điều mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây".
Ông nói thêm rằng những gì xảy ra với cua Alaska là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều loài sinh vật và con người.
Dù biết tình trạng này sớm muộn cũng sẽ xảy ra, nhưng ông không ngờ nó lại đến "sớm như vậy".
Ông nói đây là một sự thay đổi bất ngờ và rõ rệt của quần thể cua. Về lâu dài, cua tuyết được dự đoán sẽ di chuyển về phía bắc khi băng ở Biển Bering tan. Và con người sẽ không còn thấy chúng xuất hiện nhiều nữa.
Theo CNN