Dùng căn cước công dân giả để mở tài khoản ngân hàng
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Phú Nhuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phó Lâm Việt Tân (21 tuổi, ngụ Gò Vấp), Lê Văn Điểm (30 tuổi, quê Ninh Thuận), Trần Hữu Phát (34 tuổi, ngụ quận 3), Nguyễn Hồng Phú (22 tuổi, ngụ quận 10) để điều tra về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Các quyết định, lệnh trên được Viện Kiểm sát nhân dân quận Phú Nhuận phê chuẩn.
Trước đó, Công an phường 1, quận Phú Nhuận nhận được tin báo từ Vietinbank chi nhánh 222 Phan Đình Phùng về việc có một nam thanh niên đến yêu cầu mở tài khoản ngân hàng nhưng có biểu hiện nghi ngờ.
Nam thanh niên này đưa ra căn cước công dân mang tên Võ Quốc Thành, tuy nhiên khi nhân viên ngân hàng kiểm tra trên hệ thống thì phát hiện toàn bộ thông tin trên căn cước công dân trùng khớp nhưng lại là người khác.
Nhận được báo cáo, Ban chỉ huy Công an quận Phú Nhuận đã chỉ đạo Đội cảnh sát hình sự nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Làm việc với công an, nam thanh niên trên khai tên Phó Lâm Việt Tân, người này thừa nhận hành vi dùng căn cước công dân để mở tài khoản.
Ngoài ra, công an còn thu giữ thêm trong người và nơi ở của Tân 3 căn cước công dân mang tên người khác.
Mỗi tài khoản được mở thì được trả 700.000 - 1 triệu đồng
Tân khai được Lê Văn Điểm thuê sử dụng căn cước công dân giả đi đăng ký tài khoản ngân hàng. Mỗi tài khoản mở thành công thì Tân sẽ được trả công từ 700.000 đến 1 triệu đồng.
Ngay sau đó, Lê Văn Điểm được mời lên làm việc và khai nhận được một đối tượng Sunaca (chưa rõ nhân thân lai lịch) thuê quản lý 7 nhân viên có tài khoản lần lượt là: Lâm Tân, Maxx, Bapn93, Trần Linh, Tobaco bạc liêu pop chill, Khải và Ft.
Nhiệm vụ của các nhân viên trên là sử dụng thẻ căn cước công dân giả đi đăng ký tài khoản ngân hàng. Điểm được trả 1,2 triệu đồng/tài khoản được đăng ký thành công. Sau đó, Điểm chi trả lại cho nhân viên cấp dưới.
Quá trình điều tra xác định 2 căn cước công dân thu giữ trong vụ án do Trần Hữu Phát và Nguyễn Hồng Phú trực tiếp làm giả.
Làm việc với công an, cả hai khai nhận vào khoảng tháng 3-2023, Phú nhận thấy nhiều người có nhu cầu làm căn cước công dân giả để mở thẻ ngân hàng. Từ đó, Phú đã nảy sinh ý định và rủ Phát cùng làm căn cước công dân giả để bán.
Theo đó, khi có khách đặt làm căn cước công dân giả, Phú lên mạng mua lại căn cước công dân thật của người khác, hoặc tìm các mối ở khách sạn, nhà nghỉ rồi đưa về cho Phát.
Phát sử dụng máy tính để dò tìm thông tin, chỉnh sửa theo yêu cầu của khách, rồi đưa lại cho Phú. Sau đó Phú chụp hình gửi cho khách, nếu khách đồng ý thì chuyển khoản thanh toán. Phú kiêm luôn nhiệm vụ đi giao căn cước công dân giả cho khách hoặc đặt xe giao hàng.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 3-2023 đến khi bị bắt, cả hai đã làm giả 40 căn cước công dân để bán, mỗi người được hưởng lợi khoảng 60 triệu đồng.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, đến thời điểm hiện tại đa phần các ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.