Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Saudi Arabia diễn ra ngày 19-10 là một trong những hoạt động nổi bật, diễn ra ngay tại trụ sở của Liên đoàn Các phòng thương mại Saudi Arabia (FSC). Đích thân ông Hassan Al Hwaiziy - chủ tịch FSC - đã ra cửa đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đồng chủ trì diễn đàn.
Nông thủy sản, du lịch có lợi thế
Với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, diễn đàn không còn chỗ ngồi trống và còn rất nhiều doanh nghiệp của hai nước đứng dọc hành lang để lắng nghe những chia sẻ, định hướng thu hút đầu tư, hợp tác thương mại, dịch vụ từ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam và Saudi Arabia sắp bước vào năm thứ 25 thiết lập quan hệ, nhưng sự hiểu biết lẫn nhau chưa tương xứng. Bên cạnh đó, hai nước có nhiều nền tảng để thúc đẩy đầu tư, thương mại, hợp tác kinh doanh bền chặt hơn do có tính "bổ sung cho nhau".
Trực tiếp tham dự diễn đàn, bà Trần Thị Vân Loan - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang - cho biết sẽ làm việc với khoảng 15 doanh nghiệp lớn của Saudi Arabia để tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn.
Từng xuất khẩu cá thịt trắng vào thị trường này từ năm 2006 với kim ngạch lớn, nhưng đến năm 2017 hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ do nước này cấm nhập khẩu cá được nuôi trồng.
"Chúng tôi đánh giá với tiềm năng rất lớn, Saudi Arabia có thể là thị trường số 1 của Việt Nam về tiêu dùng hàng hóa tại Trung Đông... Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng chuyến thăm và trực tiếp làm việc với lãnh đạo cấp cao của Saudi Arabia của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này sẽ giúp mở cửa thị trường, đạt được thỏa thuận khơi thông thị trường thủy sản", bà Loan chia sẻ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Waqas Akram - giám đốc thương hiệu Công ty TNHH thương mại và tổng hợp Emi Việt - cho biết Việt Nam có tiềm năng khi cung cấp nhiều sản phẩm nông sản cho thị trường Saudi Arabia. Hiện Emi Việt đã làm việc với trên 10 doanh nghiệp Việt Nam để cung cấp các sản phẩm rau củ quả, nông sản (cà phê, ca cao, chanh tươi, hạt điều, gạo...), thực phẩm khô hay gia vị (tiêu, quế, hồi...) vào thị trường Saudi Arabia.
Dù vậy, với các sản phẩm thịt đông lạnh vẫn còn hạn chế do yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất chặt chẽ, đặc biệt trong phương pháp giết mổ. Hoặc với lĩnh vực du lịch, ông Waqas Akram cảm thấy tiếc vì nhiều doanh nhân các nước Trung Đông muốn đi du lịch tới Đông Nam Á, nhưng họ buộc phải chọn Thái Lan hay Philippines - nơi công nghiệp Halal phát triển.
Vì vậy, ông Waqas Akram cho rằng nếu Việt Nam cải thiện dịch vụ, đầu tư và điều chỉnh các sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal sẽ thu hút được nhiều hơn khách du lịch từ các nước Trung Đông.
Triển vọng thu hút đầu tư
Trực tiếp cùng Thủ tướng làm việc với ba tập đoàn lớn của Saudi Arabia ngay sau khi xuống sân bay vào chiều 18-10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng những cuộc tiếp xúc song phương, làm việc trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ nhằm có được những kết quả cụ thể trong thu hút đầu tư.
Không chỉ là việc thúc đẩy các lĩnh vực truyền thống như công nghiệp, bán lẻ, sản phẩm tiêu dùng, Việt Nam còn muốn thu hút các nhà đầu tư của Saudi Arabia vào các lĩnh vực mới nổi như công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mang lại những kết quả cụ thể. Công ty Đầu tư công nghiệp Zamil (ZIIC) và Công ty TNHH Việt Nam Thép xây dựng Zamil (ZSV) đã ký biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án mở rộng ZSV tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Lulu, nhà bán lẻ hàng đầu của Saudi Arabia, xem Việt Nam là nguồn cung lớn cho các sản phẩm nông sản vào chuỗi siêu thị của doanh nghiệp này nên cũng mong muốn mở rộng hơn nữa chuỗi cung ứng nông sản.
Tập đoàn AJLAN & BROS - vốn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như dệt may, công nghệ, nông nghiệp, lúa gạo, năng lượng sạch - cũng rất quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Bày tỏ sự quan tâm hợp tác với Việt Nam, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Saudi Arabia, ông Hassan Al Hwaizi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ có các giải pháp thu hút đầu tư của Saudi Arabia vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là những lĩnh vực mà Saudi Arabia thành công ở Việt Nam như thép, điện mặt trời.
Đáp lại, Thủ tướng khẳng định Việt Nam mong muốn được chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp Saudi Arabia đến Việt Nam, thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển các ngành mới nổi. Chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp đầu tư của các doanh nghiệp, cùng đồng hành và tăng cường lợi ích tại thị trường Việt Nam.
2,7 tỉ USD
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sự hiện diện rất đông doanh nghiệp hai nước trong sự kiện ngày 19-10 cho thấy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là những lĩnh vực ưu tiên và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Ông cho biết điều này giải thích vì sao quy mô thương mại song phương giữa Việt Nam - Saudi Arabia trong 10 năm trở lại đây liên tục tăng trưởng tích cực. Năm 2022 đạt trên 2,7 tỉ USD và tăng 32,4% so với năm trước, đưa Saudi Arabia trở thành thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Ngày 19-10 (giờ địa phương) đã diễn ra lễ ký kết "Chương trình hành động trong lĩnh vực du lịch" và cuộc làm việc song phương giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Saudi Arabia.