Sau khoảng thời gian ảm đạm trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán quý III đã sôi động trở lại với thanh khoản vượt trội mức trung bình trên 24.000 tỷ đồng/phiên, thêm vào đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản cũng liên tiếp lập kỷ lục mới trong năm, theo đó, các công ty chứng khoán cũng ghi nhận một quý khởi sắc với mức tăng trưởng bằng lần tại một số công ty.
Đầu tiên, CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) trong quý III này đã ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 323 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu chủ yếu đến từ mảng môi giới tăng 44,2%, đạt 9,5 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu hoạt động cho vay và phải thu cũng tăng 154% lên tới 43 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngoài ra, mục lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của VIX cũng có mức tăng trưởng 38,3% tới 45 tỷ đồng cùng khoản lỗ tự doanh giảm đã giúp VIX lãi 114 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận thêm khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Kèm theo đó, chi phí hoạt động giảm 7% về 68 tỷ đồng đã giúp VIX đón nhận kết quả lợi nhuận sau thuế tăng gấn 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 199 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động và lãi sau thuế lần lượt đạt 1.283 tỷ đồng và 775 tỷ đồng, tăng 35% và 87% so với cùng kỳ. Đây là kết quả 9 tháng cao nhất trong vòng 10 năm qua. So với kết quả đạt được, công ty thực hiện được trên 84% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản của VIX tính đến cuối quý III đạt 8.776 tỷ đồng, các khoản cho vay tăng từ 1.793 tỷ đồng lên 2.491 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin ghi nhận 2.490 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm.
Tại quý III/2023, các mảng kinh doanh chính của Chứng khoán KIS đều có sự tích cực so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động của công ty tăng 44%, đạt hơn 787 tỷ đồng.
Các nghiệp vụ chủ chốt cũng tăng mạnh như doanh thu môi giới tăng hơn 80% lên gần 137 tỷ đồng, lãi cho vay và phải thu tăng 40% lên 151 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 471 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Dù khoản lỗ tự doanh của công ty tăng 30% lên 408,6 tỷ đồng, KIS vẫn báo lãi gần 60 tỷ đồng.
Về phần tổng chi phí của công ty chỉ tăng nhẹ 22%, do đó, kết thúc quý III, Chứng khoán KIS lãi sau thuế gần 144 tỷ đồng, gấp 6 lần so với con số cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động của công ty đạt 1.653 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động giảm mạnh, lãi sau thuế vẫn ghi nhận mức tăng gấp 2,5 lần lên 328,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của công ty đạt hơn 9.886 tỷ đồng, tăng 13% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay chiếm gần 6.215 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ đồng với hồi đầu kỳ.
Theo BCTC quý III/2023, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS - HoSE: FTS) ghi nhận 325 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ. Mức tăng này phần lớn đến từ mảng tự doanh có sự tích cực rõ rệt.
Cụ thể, khoản mục lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 154 tỷ đồng, cùng với mức lỗ tài sản FVTPL đã giúp FPTS có khoản lãi tự doanh tới 99 tỷ đồng.
Doanh thu nghiệp vụ môi giới cũng có mức tăng 30%, đạt 99 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi từ các khoản cho vay và phải thu quý này lại có sự sụt giảm nhẹ 4% xuống còn 115 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của FPTS cũng tăng nhẹ 36% lên 94 tỷ đồng, do khoản chi phí dự phòng tài sản tài sản được trích lập khá cao, lên tới 30 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, Chứng khoán FPT báo lãi sau thuế đạt 184 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 60 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động và lãi sau thuế của công ty đạt 763 tỷ đồng và 403 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 44% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Chứng khoán FPT đã hoàn thành được 99% chỉ tiêu doanh thu năm và vượt gần 14% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của FPTS ở mức 7.313 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin chiếm gần 4.009 tỷ đồng, tăng 16%.
FPTS ghi nhận tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 1.556 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Danh mục chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn cố định, chứng chỉ tiền gửi với giá gốc 1.016 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu 120 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và hơn 14 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết. Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong khoản mục cổ phiếu là mã MSH của May Sông Hồng ghi nhận giá gốc hơn 13 tỷ đồng, hiện có giá trị hợp lý hơn 416 tỷ đồng, tương đương mức lãi khoảng 32 lần. Đây là khoản đầu tư đã được FPTS mua vào từ nhiều năm trước.
Ngoài ra, công ty cũng nắm cổ phiếu chưa niêm yết khác của CTCP Đầu tư và Xây dựng Số 8 (CIC8) và các trái phiếu mã CTG2230T2/01, CTG2030T2/01.
Cũng có mức tăng trưởng tích cực, Chứng khoán ACBS ghi nhận doanh thu hoạt động trong quý III/2023 đạt 558 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn khoản lãi sau thuế của công ty đạt 119 tỷ đồng, tăng trưởng 440% so với quý III/2022, tương ứng gấp 5,4 lần.
Luỹ kế 9 tháng, Chứng khoán ACBS đạt doanh doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.182 tỷ đồng và 324 tỷ đồng, lần lượt hơn 18% và gấp 45 lần con số thực hiện trong cùng kỳ năm trước.