Sáng 20.10, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm của TP.HCM thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Về công tác bồi thường, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị xây dựng giá bồi thường, tái định cư tốt nhất, vận dụng chính sách hỗ trợ tạo đồng thuận cao nhất.
Năm nay, TP.HCM cần giải ngân gần 27.000 tỉ đồng vốn bồi thường. Ông Mãi cho biết số vốn này phải giải ngân trước ngày 31.12 nên cần tập trung thủ tục để giải ngân. Song song đó, Chủ tịch TP.HCM đề nghị bí thư, chủ tịch 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức lãnh đạo, chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ nguồn vốn giải ngân được giao, phấn đấu đạt mức cao nhất.
Nhận định mục tiêu giải ngân trên 95% sẽ khó đạt, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ điều chuyển, bổ sung vốn giữa các chủ đầu tư và các dự án cùng chủ đầu tư, phấn đấu giải ngân không dưới 80%.
Năm 2023, TP.HCM đã phân bổ 68.490 tỉ đồng, đến nay giải ngân đạt 35%. Dự kiến có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% với số vốn dự kiến không giải ngân được là hơn 19.500 tỉ đồng, chiếm 28,4% tổng kế hoạch vốn năm 2023 của TP.HCM.
Thống kê cho thấy có 98 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân vì ảnh hưởng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Lý do, nhiều dự án chưa được các quận huyện khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đến khi được duyệt phương án bồi thường thì chi phí thực tế thấp hơn số được duyệt dẫn đến không thể giải ngân.
Lãnh đạo quận, huyện gửi cam kết trong tuần sau
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao việc xử lý vướng mắc, linh hoạt điều chỉnh vốn, kiểm tra thúc đẩy và phê bình nghiêm khắc những trường hợp yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công.
Hội nghị thống nhất 8 nguyên nhân như báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM. Trong đó, đáng lưu ý nhất là công tác phối hợp, đôn đốc và nhắc nhở, thúc đẩy còn nhiều vấn đề nhiêu khê giữa chủ đầu tư với sở ngành, địa phương, ban quản lý dự án. Điều này dẫn đến một số công trình trọng điểm, cấp bách bị vướng, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp.
Về năng lực chủ đầu tư hạn chế, ông Nên cho rằng có những việc phải làm thì chủ đầu tư không làm, cũng như dự báo không tốt nên không chuẩn bị phương án dự phòng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá nơi nào lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, phân công cụ thể, kiểm tra, giám sát thì nơi đó có kết quả tốt, mà điển hình là Q.Gò Vấp. Theo ông Nên, từ nay đến cuối năm còn 70 ngày nước rút, là cơ hội để các địa phương, chủ đầu tư tăng tốc bởi đường dài mới biết ngựa hay.
Về giải pháp thời gian tới, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM thống nhất cần có sự tham gia của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đối với công tác bồi thường. Ông cũng nhấn mạnh Thành ủy không có quyền chỉ đạo, điều hành nhưng có thẩm quyền thay đổi cán bộ, đồng thời khẳng định sẽ làm quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát đầu tư công.
Bàn về các biện pháp chế tài, ông Nên phân tích muốn có chế tài thì phải có quy định, trước khi quy định phải có giả định. Do vậy, Bí thư TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo ban hành văn bản nêu cụ thể, rạch ròi về quy định, giả định và chế tài cho 70 ngày đối với từng sở ngành, người đứng đầu. Trong đó nêu rõ cán bộ không làm việc phải làm, không có lý do khách quan thì phải chịu trách nhiệm gì.
Ở chiều ngược lại, các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư cũng phải gửi cam kết đến UBND TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về những công việc sẽ làm trong hơn 2 tháng còn lại. "Giữa tuần sau, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM phải nhận được cam kết này, anh nào không gửi thì coi như loại từ vòng gửi xe", ông Nên yêu cầu.
Bản cam kết ngoài nêu những giải pháp sẽ làm thì có thể đề xuất những vướng mắc mà cấp thành phố phải giải quyết để thực hiện. Giải ngân đầu tư công là trách nhiệm của cả cấp trên và cấp dưới, chứ không chỉ thúc ép cấp dưới một cách duy ý chí.