Đồng thời bổ sung quy định về sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp chế xuất; nội dung hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn…
Sẽ quy định hướng xử lý cụ thể đối với hóa đơn điện tử sai, sót
Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành công văn số 9206/BTC-TCT ngày 29-8-2023 về việc lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ được đánh giá là bước thành công trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử trên cả nước đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 123 sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về: hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; chương trình "hóa đơn may mắn"; chứng từ ghi nhận giao dịch trong hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, giải trí có đặt cược; biên lai, chứng từ phòng ngừa gian lận và trách nhiệm của các bên liên quan…
Thực hiện chức năng tham mưu chính sách thuế cũng như là cầu nối hỗ trợ giải đáp các vướng mắc của người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM đã ghi nhận những vướng mắc bất cập của các đối tượng chịu tác động nhằm khắc phục những vướng mắc trong quản lý và thực thi của doanh nghiệp, tổng hợp và góp ý nội dung dự thảo về các nội dung.
Cụ thể như: quy định hướng xử lý cụ thể đối với các trường hợp xử lý hóa đơn điện tử có sai, sót (như hủy hóa đơn đã lập, hóa đơn hàng bán trả lại, hóa đơn hoàn phí bảo hiểm…); bổ sung quy định về sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp chế xuất; nội dung hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn…
Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định cụ thể về đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế áp dụng theo mã ngành nghề: G45, G47, H49, H52, H53, I, N77, N79, R, S95, S96 tại phụ lục ban hành kèm theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Đồng thời hỗ trợ tốt hơn trong công tác rà soát và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Nhiều lợi ích khi triển khai hóa đơn điện tử
Việc triển khai hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích thiết thực như tính năng tự động tính toán thuế và tổng cộng, giúp giảm ngay nguy cơ sai sót tính toán và quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Từ đó thúc đẩy quá trình thanh toán và giao dịch trực tuyến; dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm và truy cập thông tin hóa đơn; tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp so với hóa đơn giấy truyền thống.
Ngoài ra, việc người mua hàng yêu cầu người bán lập hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định pháp luật không chỉ giúp người mua hàng sẽ có cơ hội trúng những giải thưởng giá trị; mà còn góp phần thúc đẩy người bán chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế do Nhà nước đề ra.
Bên cạnh đó, với việc lập hóa đơn khi mua hàng, người tiêu dùng cũng sẽ đảm bảo được quyền lợi của bản thân khi xuất hiện các vấn đề trong giao dịch thương mại như bảo hành sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa...
Đối với người bán hàng, người mua hàng may mắn nhận được giải thưởng của chương trình thì doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh lập hóa đơn đó cũng có cơ hội được giới thiệu, quảng bá hình ảnh.
Từ đó, sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn, góp phần làm tăng doanh thu bán hàng. Đặc biệt, thói quen mua hàng nhận hóa đơn của mỗi người tiêu dùng sẽ là yếu tố quyết định giúp thúc đẩy tốc độ hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế của ngành thuế.
TP.HCM: 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử
Việc triển khai hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền nói riêng đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trong hành trình chuyển đổi số.
Tính đến tháng 10-2023, TP.HCM đã ghi nhận 100% các doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử và 4.675 người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó bao gồm 3610 doanh nghiệp, đạt 70% kế hoạch và 988 hộ kinh doanh, đạt 71% kế hoạch.
Với số lượng hóa đơn ngày càng lớn, để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, cơ quan thuế áp dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích dữ liệu lớn và đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử với tờ khai thuế, so sánh, đánh giá dữ liệu hóa đơn mua vào bán ra phục vụ công tác quản lý hóa đơn điện tử.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc sử dụng hóa đơn điện tử.
Từ đó giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo sự minh bạch, bình đẳng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, hóa đơn điện tử sẽ trở thành phương tiện quan trọng để hiện thực hóa "Chiến lược chuyển đổi số quốc gia" và thúc đẩy thanh toán thông minh trong nền kinh tế.
Chương trình "Hóa đơn may mắn" được tổ chức định kỳ hàng quý cũng nhằm mục đích để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng, khi sử dụng dịch vụ. Người mua sẽ được tham gia dự thưởng và còn là người có quyền yêu cầu người bán lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ… qua đó bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng.
Báo Tuổi Trẻ được nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ Tài chính và loạt bài về hóa đơn điện tử của báo Tuổi Trẻ được trao giải B cuộc thi báo chí viết về ngành tài chính lần thứ 8 năm 2023.