Năm nay cũng vậy, giới khoa học người Việt trong và ngoài nước đang đặt nghi vấn về nhiều ứng viên liên quan việc đăng bài trên các tạp chí quốc tế dỏm, mạo danh, xuất bản hàng loạt, kê khai thiếu trung thực. Khi vụ việc bị báo chí phanh phui, không ít đương sự thừa nhận đó là sự thật.
Phải chăng việc xác định tạp chí uy tín còn khó khăn với các hội đồng hay vì sự cả nể, du di từ các hội đồng?
Trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải có quy định cứng về liêm chính khoa học, chế tài nặng đối với hành vi gian dối, thiếu trung thực trong công bố khoa học khi tham gia xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Ứng viên nếu bị phát hiện kê khai thiếu trung thực, gian dối công bố khoa học cần mạnh tay loại khỏi danh sách ứng viên. Quy định này cũng nên có hiệu lực hồi tố với cả những người đã được công nhận chức danh. "Tấm khiên" học hàm có thể bị đục bỏ chứ không "bất khả xâm phạm" như hiện nay.
Đầu năm 2023, ĐH Huế công bố quy định về liêm chính khoa học, kèm theo đó là biện pháp chế tài. Về công bố khoa học, người của đại học này phải tìm hiểu kỹ về tạp chí, nhà xuất bản trước khi gửi bản thảo.
Không gửi công bố trên các ấn phẩm mạo danh, săn mồi đã được cộng đồng khoa học cảnh báo. Kèm với quy định này là các biện pháp chế tài tùy theo mức độ vi phạm.
Điều này được cộng đồng khoa học đánh giá tích cực khi có thể phần nào kiểm soát được hành vi gian dối, không trung thực trong công bố khoa học.
Nhiều lĩnh vực khác đã có những quy định chế tài rất nặng đối với hành vi gian lận. Chẳng hạn trong thể thao là tước huy chương, thành tích, bị cấm thi đấu trong nhiều năm với người gian lận.
Ngành giáo dục cũng có những quy định chế tài với hành vi gian lận trong thi cử, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự. Điều đáng nói là ở chức danh học thuật như giáo sư, phó giáo sư lại chưa có quy định cũng như tiền lệ chế tài với người được công nhận.
Thực tế phũ phàng là đến nay chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư nào bị thu hồi, tước bỏ do những vi phạm của những cá nhân.
Giáo sư, phó giáo sư là những chuyên gia không chỉ giỏi chuyên môn, có năng lực khoa học, có nhiều đóng góp cho khoa học, giảng dạy mà còn phải là những người có đạo đức để hướng dẫn, phát triển các thế hệ tiếp sau.
Do đó một người gian lận sẽ để lại hậu quả khôn lường khi "sản sinh" ra nhiều F1, F2, F3... Khi sự gian dối được du di, làm ngơ thì sẽ có thêm nhiều "môi trường" để nhân rộng khi họ ngồi đủ loại hội đồng khoa học để đánh giá các thế hệ sau.
Vì sao người ta bằng mọi giá, kể cả gian lận, để được công nhận giáo sư, phó giáo sư? Đó là bởi trong xã hội có chuyện sính bằng cấp, danh xưng. Người có học hàm, học vị càng cao thì địa vị và danh vọng càng lớn, cũng từ đó đem tới cho họ nhiều lợi ích hơn về kinh tế.
Điều này là chính đáng và rất cần được khuyến khích, tôn trọng với việc học thật, làm thật. Nhưng khi thực tế không ít chuyện học giả, làm giả và sống bám vào học hàm, học vị "dỏm" đã trở thành chuyện như thường tình thì lợi ích của các học hàm, học vị dù "dỏm" đó cũng chính là mục tiêu của các chạy đua đã kéo dài nhiều năm qua.
Đòi hỏi tính liêm chính khoa học là việc cần thiết, nhưng sự chế tài và xử nặng với hành vi gian dối phải là biện pháp mạnh mới có thể trở thành "tấm khiên" bảo vệ cho sự tôn nghiêm và giá trị cao cả của khoa học.
Dung túng cho gian dối trong khoa học là một loại tội ác; phải kiên quyết từ chối, loại bỏ những ứng viên có hành vi gian dối, thiếu trung thực. "Lộng giả thành chân", gian dối trong khoa học sẽ lây lan ra nhiều người, nhiều thế hệ, và do vậy việc sửa chữa, khắc phục sẽ khó khăn vô vàn.
Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa công bố danh sách 606 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.