Văn chương hoài niệm trắng đen
Dù mới xuất hiện trên mạng xã hội Facebook nhưng trang "trích diễm" đã thu hút hơn 250.000 lượt theo dõi, phần lớn là những người yêu thích văn chương.
Ý tưởng thành lập một trang văn chia sẻ những đoạn trích ý nghĩa và đặc sắc đã được Mai Chung Min, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), suy nghĩ từ rất lâu, nhưng đến giữa tháng 1-2023 chàng trai này mới đủ tự tin để bắt đầu.
Không giống những trang văn chương khác bắt mắt người đọc trong từng thiết kế, với "trích diễm", Chung Min sử dụng tông màu trắng đen để gợi cảm giác thi vị và hoài niệm như những trang sách giáo khoa xưa.
"trích diễm" không dừng lại ở việc giới thiệu những đoạn trích mà còn đưa ra những phân tích, đánh giá hoặc phỏng vấn tác giả để giới thiệu cho bạn đọc những câu chuyện xoay quanh tác phẩm.
Một số nội dung trên trang chia sẻ văn chương "trích diễm" - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Phần lớn người theo dõi trang là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Ngoài ra còn có các cô chú anh chị lớn tuổi.
"Mình nhớ mãi câu nói của một cô ở phần bình luận, đại ý là cô cảm ơn 'trích diễm' vì những bài thơ mình chia sẻ đã giúp cô nguôi ngoai sau một ngày bươn chải. Tuy mình chỉ là chiếc cầu nối đưa tác giả tác phẩm đến gần hơn với người đọc nhưng mình cảm thấy rất hạnh phúc khi đã mang lại niềm vui cho người khác", chàng trai gen Z cho biết.
"Một bài văn hay là một bài văn đựng chứa chính mình"
"Cha đẻ" của trang văn học "GAC VAN" nổi tiếng trên Instagram cũng là một sinh viên: Đặng Văn Quang, Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội), anh chàng từng "gây sốt" với điểm 10 môn ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Nói về sự ra đời của "GAC VAN", Quang bộc bạch thoạt đầu chỉ là một ý tưởng của bạn về việc "làm mới một cái gì đó để tìm kiếm và làm mới chính mình".
Về tên gọi, nam sinh viên cho hay: "Đây thực ra là chữ viết in hoa không dấu của GÁC VĂN, song sau những cân nhắc về bố cục chữ, mình quyết định lấy tên là GAC VAN".
Một số nội dung của "GAC VAN" - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Sở hữu nhiều thành tích ấn tượng ở môn ngữ văn như giải nhì Học sinh giỏi quốc gia 2020, thủ khoa - huy chương vàng Olympic 30-4 năm 2019... Quang tâm sự: "Theo mình, học văn cần có hứng thú và chăm chỉ. Hứng thú từ việc đặt ra mục tiêu, tiếp cận môn văn bằng con đường đối thoại, liên tục đặt ra những câu hỏi, chất vấn và từ đó tìm kiếm câu trả lời".
"Một bài văn hay là một bài văn đựng chứa chính mình. Đó là những suy nghĩ tỉnh táo và sắc sảo, những suy tư chân thành và trung thực, những cảm nhận tự nhiên và thậm chí cả những trăn trở của một người học văn đang lớn, một người đang sống giữa thời đại", Quang nói.
Khối lập phương văn chương đa sắc
Lan tỏa niềm đam mê văn chương đến người xem theo hướng ứng dụng, "Rubik Văn chương" được lập bởi Hải Thủy - sinh viên Học viện Báo chí và Truyên truyền - và Huyền Trang - sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân.
Nhiều người nhận xét văn chương là những hình ảnh nhẹ nhàng, bay bổng nhưng Hải Thủy và Huyền Trang nghĩ khác. Các bạn tự hỏi tại sao phải đóng khuôn văn chương trong sự bay bổng?
"Rubik là khối lập phương văn chương nhiều màu, nhiều mặt, nhiều cách xoay. Giống như trong thế giới của văn chương có vô vàn màu sắc khác nhau của các tác phẩm, vô vàn góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề xã hội, và vô vàn cách 'xoay' khác nhau để tạo ra chất văn của riêng mình", nữ sinh viên bày tỏ.
Những ngày đầu thành lập, Hải Thủy và Huyền Trang cho biết gặp khó khăn trong vấn đề quay dựng, chưa biết cách tạo nên những video hấp dẫn vì trước đó cả hai đều thuần làm nội dung.
Qua quá trình trải nghiệm, học hỏi, Hải Thủy và Huyền Trang nhận thấy có ba yếu tố quan trọng để có bài văn hay là tư duy, diễn đạt và dẫn chứng: cần tư duy đề bài ở nhiều tầng bậc ý nghĩa, tạo chiều sâu; diễn đạt các tư duy bằng những ngôn ngữ trôi chảy, làm nổi bật vấn đề và dẫn chứng đa dạng, đề cập đến vấn đề thực tại trong cuộc sống.
Dưới sự chăm chút của hai bạn, "Rubik Văn chương" hiện thu hút hơn 500.000 người theo dõi, gần 8 triệu lượt yêu thích trên TikTok, lôi cuốn người đọc với các chuyên mục như: Gia vị văn chương, Nâng cấp diễn đạt, Kỹ năng làm bài…
Thay đổi cách tiếp cận văn chương
TS Nguyễn Thị Quốc Minh - khoa văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết những nội dung (content) văn chương thú vị và sáng tạo của một số bạn trẻ gen Z là một tín hiệu đáng mừng và đáng được nhân rộng đến với nhiều độc giả bởi nó có ý nghĩa to lớn về giá trị thực tiễn cũng như giá trị nhân văn.
Theo bà, sự đọc hiện nay đã giảm so với trước đó, vì vậy người trẻ nên tìm ra cách tư duy, tạo sự hứng thú khi tiếp cận với văn chương để thấy được lợi ích của nó.
400 bạn trẻ là sinh viên, học sinh tham dự sáng tác văn chương về sự hào sảng, trọng nghĩa tình của con người Nam Bộ.