vĐồng tin tức tài chính 365

35 năm 'Vì ngày mai phát triển' - Kỳ 1: Thầy Tống và Vì ngày mai phát triển

2023-10-21 11:12
Thầy Nguyễn Thiện Tống trao học bổng "Tiếp sức đến trường" tại Huế năm 2009 - Ảnh: THÁI LỘC

Thầy Nguyễn Thiện Tống trao học bổng "Tiếp sức đến trường" tại Huế năm 2009 - Ảnh: THÁI LỘC

35 năm, 20 năm là ngắn hay dài với một đời người, một sự nghiệp? Dài, dài lắm. Ấy vậy mà khi nhìn lại Vì ngày mai phát triển và Tiếp sức đến trường, Tuổi Trẻ thật tự hào khi có được những người đồng hành miệt mài đi cùng chương trình từ ngày đầu tới tận hôm nay.

1.000 USD và lựa chọn Tuổi Trẻ

Sáng sớm một ngày tháng 8-2023, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (76 tuổi) ngồi vào bàn làm việc, mở máy tính, lướt mấy tờ báo quen thuộc và kiểm tra hộp thư điện tử. Mấy hôm nay, thầy hồi hộp chờ hồi âm cho những lá thư của Câu lạc bộ Thừa Thiên Huế gửi đi các nơi vận động học bổng Tiếp sức đến trường. 

Màn hình báo một lá thư đến. Chạm vào, mở ra, tim thầy liền nở hoa: "Kính thưa Thầy. Con là Hồ Thị Thanh Loan, con báo tin vui là đã nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi. Con không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi đến Thầy. 

Nhờ quỹ học bổng Tiếp sức đến trường mà con có thể vào đại học, thầy lại giới thiệu thêm học bổng khác, nhờ vậy mà con đi được hết con đường học dài 6 năm. Con hứa sẽ tiếp tục phấn đấu". 

Thầy Tống đọc đi đọc lại. Mấy ngày sau lại nhận được thư báo tốt nghiệp bác sĩ của Mỹ Linh, Thúy Chi. Với ông, không niềm vui nào lớn hơn vậy nữa.

Thầy Tống không chỉ vận động học bổng cho Loan, Linh, Chi từ 2017, không chỉ thành lập và điều hành Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế từ 2008, thầy còn chính là người đầu tiên cùng Tuổi Trẻ sáng lập Vì ngày mai phát triển từ 35 năm trước.

Năm ấy, 1988, đất nước nghèo lắm, TP.HCM nghèo lắm, và báo Tuổi Trẻ cũng nghèo lắm. Những chính sách đổi mới đang khai sinh, cuộc vật lộn để thoát khỏi cơ chế bao cấp đang bắt đầu. 

Chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 1 trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-11-1988

Chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 1 trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-11-1988

Thầy Nguyễn Thiện Tống khi ấy giảng dạy tại Trường đại học Bách khoa, sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước và viết báo cộng tác với Tuổi Trẻ. Những trăn trở về tương lai của mình và thế hệ sau, của xã hội, đất nước luôn đau đáu.

"Gánh nặng cơm áo đè nặng, nhưng tôi không bao giờ quên lý do mình quyết định rời bỏ cuộc sống sung túc cùng tương lai khoa học rộng mở tại Úc để trở về Việt Nam, lý do mình ở lại Sài Gòn giữa những biến động thời cuộc...", ông Tống tâm sự. 

Lý do ấy là gia đình, là quê hương, là đất nước. Những người bạn của thầy ở khắp nơi rất hiểu và chia sẻ tâm sự ấy. Năm 1988, những người bạn Việt kiều ở "Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Úc", nơi thầy sinh hoạt trong quá trình du học, gửi đến 1.000 USD với lời nhắn "giúp học sinh, sinh viên khó khăn". 

Số tiền lớn với một thầy giáo nghèo nhưng lại nhỏ với lượng học sinh, sinh viên nghèo lúc ấy. Làm sao để món quà đến đúng người xứng đáng, làm sao để phát huy được ý nghĩa lớn của sự trợ giúp đúng lúc? Ông bấm đốt tay những suy tính rành mạch của một nhà khoa học. Câu trả lời bật ra: "Đến báo Tuổi Trẻ".

Hôm nay, ông mỉm cười khẳng định: "Chọn Tuổi Trẻ là rất đúng, làm được lúc đó và phát triển được đến tận bây giờ...". 

Báo Tuổi Trẻ năm ấy 13 tuổi, tự lực cánh sinh được 5 năm, số lượng phát hành 45.000 bản/kỳ, đã nổi lên trong làng báo là tờ báo trẻ, luôn đứng về phía cái mới, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, cái lạc hậu và cổ vũ thúc đẩy phát triển. Ấn tượng sâu đậm với ông Tống là loạt bài kiên trì của Tuổi Trẻ năm 1987 công phá thành trì "chủ nghĩa lý lịch" đã gây bất công bao năm ở cánh cổng đại học. 

"Đến năm 1988, Nguyễn Mạnh Huy đã là sinh viên năm thứ 2 ở Bách khoa sau 4 năm liền bị từ chối không được học đại học vì lý lịch. Tuổi Trẻ quyết liệt bảo vệ quyền đi học của Huy khiến tôi rất cảm kích, tin tưởng báo làm được và làm tốt sự ký thác của bạn bè tôi", ông Tống nói vậy khi nâng niu 1.000 USD đầu tiên trao cho Tuổi Trẻ.

Các nhà tài trợ được báo tin thì rất vui, sốt sắng đề xuất: "Hãy trao giúp chúng tôi 10 học bổng, mỗi suất 80USD. Phần còn lại xin chi cho công tác tổ chức". 

Ban biên tập Tuổi Trẻ trả lời: "Nhất trí với đề xuất 80USD/suất, vậy với 1.000 USD chúng ta sẽ chọn ra 12 học bổng, cấp 9 tháng (một năm học) với số tiền 20.000 đồng/tháng. Chi phí tổ chức, báo sẽ lo".

Tri ân những người đồng hành cùng Vì ngày mai phát triển tại lễ kỷ niệm 20 năm - Ảnh: Minh Đức

Tri ân những người đồng hành cùng Vì ngày mai phát triển tại lễ kỷ niệm 20 năm - Ảnh: Minh Đức

Sợi dây dẫn đường

Vì ngày mai phát triển đã ra đời như thế, và nguyên tắc đầu tiên được khẳng định: Một đồng của nhà tài trợ sẽ được đưa đến đối tượng thụ hưởng một đồng. Việc kết nối, tổ chức làm nên giá trị tinh thần là phần đóng góp của Tuổi Trẻ.

Tất cả thế hệ người làm báo Tuổi Trẻ đều thuộc lòng nguyên tắc ấy, vốn đã được xác lập từ những bài báo đầu tiên tạo độ rung xã hội, hút đến phòng tiếp bạn đọc những cô bác anh chị rưng rưng cầm khoản tiền nhỏ đẫm mồ hôi tặng nhân vật. 

Xuyên suốt nhiều năm và nhiều chương trình, nguyên tắc số 1 ấy càng được khẳng định vững bền. Nguyên tắc thứ hai: Không phân biệt; Nguyên tắc thứ ba: Đúng đối tượng.

"Bao nhiêu năm, những điều ấy vẫn được Tuổi Trẻ gìn giữ nghiêm ngặt như sợi dây dẫn đường khiến tôi rất cảm động" - ông Tống tiếp tục nhắc lại những câu chuyện của Vì ngày mai phát triển 35 năm trước, cũng vẫn là chuyện của hôm nay. 

"Ngay đợt đầu tiên, trong 20 hồ sơ gửi đến, một em có cha là sĩ quan chế độ cũ vẫn đang trong quá trình học tập. Không có ý kiến thắc mắc nào, mọi người chia nhau đến từng nhà để xác minh. 

Một em ghi địa chỉ nhà mặt tiền đường Điện Biên Phủ, lại chú thích là đại lý gạo, sau phút chần chừ thì tôi và anh Nam Đồng (khi ấy là trưởng ban công tác bạn đọc của báo) quyết định đi. Đến nơi thì ra đó là một địa chỉ đi mượn. Loanh quanh 30 phút chúng tôi mới tìm thấy căn nhà lá trong hẻm sâu lầy lội, trống trơn không đồ đạc, tài sản, không có cả người.

Tới giờ tôi vẫn còn nhớ những mảnh lá khô giòn, vỡ vụn lả tả khi bóp trong ngón tay. Chờ mãi mới gặp được cha mẹ em đẩy chiếc xe hàng rong về. Học bổng được cấp và cô bé sau này đã trở thành bác sĩ. 

Lại có trường hợp một em ghi cha là công nhân viên, nhà trong hẻm. Ai cũng cảm thông ngay vì chúng tôi đều là những công nhân viên nghèo. Vẫn đi đến nơi, và chúng tôi gặp căn nhà ba tầng, cha bạn ấy là thủy thủ tàu viễn dương. Tất nhiên, hồ sơ ấy không xét".

Những người thuộc thế hệ sau của Tuổi Trẻ như tôi nghe chuyện này mà không khỏi tự hào. Vâng, đó chính là sự công bằng mà chúng tôi đã được lĩnh hội ở Tuổi Trẻ.

Bản tin đầu tiên ngày 18-10-1988 thông báo: "Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Úc quyết định tặng hằng năm một số học bổng cho học sinh lớp 12 để khuyến khích tài năng khoa học kỹ thuật trẻ, ủy thác báo Tuổi Trẻ tuyển chọn, phân phối".

Ngày 8-11-1988, 20 hồ sơ gửi đến dự tuyển, ban tổ chức có lời thưa với bạn đọc: "Mục đích chính của học bổng là kích thích tinh thần học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức của các bạn trẻ vì ngày mai phát triển của đất nước".

**************

"Chúng ta đốt lên một đốm lửa, lửa ấy bắt được những ngọn gió từ trong lòng người đọc báo, rồi cứ vậy mà lửa cháy lên". Chương trình Vì ngày mai phát triển của Tuổi Trẻ đã lớn lên từ sự cộng hưởng của tấm lòng bạn đọc như vậy.

>> Kỳ tới: Chặng đường dài của bao tấm lòng

Chương trình 'Vì ngày mai phát triển' lần thứ 363Chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 363

TT - Xót xa khi thấy học trò nghỉ học nhiều, thầy Tạ Xuân Đĩnh (Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã đưa mô hình “Homestay - thân thiện và yêu thương - giúp bạn đến trường” vào trường học để ngăn dòng bỏ học.

Xem thêm: mth.4102649012013202-neirt-tahp-iam-yagn-iv-av-gnot-yaht-1-yk-neirt-tahp-iam-yagn-iv-man-53/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“35 năm 'Vì ngày mai phát triển' - Kỳ 1: Thầy Tống và Vì ngày mai phát triển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools