Nhưng cả nhà vẫn "nể bà bầu cho lành", nháo nhào ôm đồm đủ thứ, gọi xe đến bệnh viện. Tuổi 28, hành trình đưa vợ đi đẻ của tôi bắt đầu với việc liên tục bị taxi từ chối khi biết chở bà bầu đi viện vì... sợ xui.
Vợ bầu mà chồng nghén, thèm "mùi cứt heo"
Mới sớm, sảnh chính khoa cấp cứu - sinh (Trung tâm sản phụ khoa Bệnh viện Trung ương Huế) đã rất đông. Nhờ xấp giấy tờ lồm xồm chuẩn bị sẵn nên thủ tục nhập viện của vợ tôi khá trơn tru.
"Mẹ và gia đình theo tôi đi nhận phòng nhé", một hộ sinh tên Thanh nói. Chúng tôi được đưa đến phòng chờ số 4.
Có lẽ nếu ai muốn biết biểu cảm phụ nữ trước sinh thì đến khu này rõ nhất. Mỗi phòng ở khu này có chừng 4-8 giường. Thú vị nhất vẫn là lắm chuyện lạ nơi đây. Như việc một số sản phụ mang thai con so dù chuyển dạ sắp sinh nhưng vẫn cười toe toét nhìn sản phụ mang thai lần hai, lần ba quằn quại với cơn đau.
Có người quá đau mà gục đầu lên thành giường, quỳ xuống nền, đầu tóc rũ rượi. Có người quá đau mà bật khóc tu tu, hét vang cả khu. Lâu lâu lại có tiếng thều thào: "Đau quá, không đẻ nữa mô". Thật lạ, tôi thì cứ tưởng lần đầu đẻ mới sợ, mới đau dữ.
Tôi cũng không rõ làm thế có giúp những bà bầu bớt đau hay không, nhưng những lúc này họ rất thích cào cấu lên tay và thân mình các ông chồng. Dĩ nhiên tôi cũng bị. Như bao ông chồng khác, tôi chỉ biết ngồi yên chịu trận.
Với các ông chồng, vài tiếng giữa đêm là thời gian thư giãn, nghỉ ngơi quý giá trong ngày. Vì không có chỗ nằm nên các ông thường tụm năm ba tụm ba ở hành lang. Dù có quy định không tụ tập, tuy nhiên chắc vì đã khuya nên các hộ sinh cũng châm chước.
Nỗi niềm chung của những ông chồng trẻ đưa vợ đi đẻ khiến khoảng cách về tuổi tác, vùng miền dường như không tồn tại.
Mười tối như mười, các buổi nói chuyện đều rôm rả. Mọi ngóc ngách về mang bầu, ốm nghén cho tới sinh nở... dưới góc nhìn của cánh đàn ông được giãi bày. Trong nhóm, anh Thân (người Huế) là người hay vò đầu bứt tóc nhất.
Anh kể từ ngày biết vợ mang thai, anh sụt 12kg, còn vợ tăng 21kg. Suốt 40 tuần, vợ anh chưa từng ốm nghén, nôn ọe dù chỉ một lần. Ngược lại, anh "bị quật" lên bờ xuống ruộng. Hễ nhìn thấy bia rượu là anh lại nôn.
Đổi lại, anh ăn rất nhiều xoài, me. Trái nào càng chua anh càng thích dù trước đó anh rất ghét chua. Chưa dừng lại, anh thèm ăn cả... cành cây xoài, ăn bất kể nó già cỗi nhăn nheo hay non xanh đầy mủ.
Cả nhóm đang cười ngả cười nghiêng thì anh Được góp lời. Như được khơi trúng nỗi niềm, anh Được vừa nói vừa đưa tay thề không "nói láo" về chuyện nghén ngược đời của mình. Anh kể 32 tuổi chưa từng ăn và cũng không thích ăn đồ sống, nhưng từ ngày vợ mang bầu hễ nhìn thấy thịt cá sống anh lại thèm.
"Thèm ăn đồ sống thì cũng đỡ, thề tui chẳng dám kể sai nhưng từ ngày vợ có bầu là thèm ngửi mùi cứt heo cực kỳ. Không ngửi được là người bứt rứt, rã rời như đói cơm khát nước, ngửi rồi thì phấn chấn, y như nghiện, dị hợm lạ đời rứa chơ", anh Được cười tâm sự.
Bố "trẻ trâu" cũng khóc
Chờ đợi ở cánh cửa phòng sinh, tận tay ẵm "thiên thần bé nhỏ" có lẽ là giây phút hạnh phúc của bao gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian bối rối nhất của bố trẻ.
"Người nhà sản phụ Lê Thị Thu H. ở Hương Trà" - tiếng cô hộ sinh vang lên sau cánh cửa phòng mổ khiến anh Toàn giật bắn người. Vừa "dạ có" thật to, anh liền bối rối khi nghe tiếp lời của hộ sinh: "Chuẩn bị ngay 5 miếng tã em bé, 3 thanh sữa, 1 bịch khăn ướt, 1 bịch khăn khô, 2 bộ quần áo, 1 khăn lông".
Anh cuống quýt chạy ngược về phòng chờ sinh, ôm hai rổ đồ thật to chạy đến. Chân nọ xọ chân kia, anh ngã lăn sõng soài, đồ đạc văng tứ tung. Thương cảnh bố trẻ rối bời, mọi người xúm lại nhặt giúp. Quá căng thẳng cùng lần "quê ngã" khiến anh Toàn quên luôn lời dặn của chị hộ sinh.
Chuyện của Dũng càng oái oăm hơn, chồng năm nay mới 19, vợ 18 tuổi. Dũng kể hai vợ chồng có thai ngoài ý muốn. Khác mọi người hầu như đều có bố mẹ theo chăm, nội ngoại họ ở xa nên vợ chồng Dũng tự chăm nhau.
Vì nhiều lý do mà vợ Dũng sinh khi thai mới 37 tuần. Sinh sớm nên đồ đạc vợ chồng gấp gáp hốt theo cũng thiếu trước hụt sau. Những món đồ cơ bản nhất cần chuẩn bị khi đi sinh như bỉm trẻ em, sữa, khăn... vẫn chưa kịp mua.
Thiếu trước hụt sau nên khi hộ sinh gọi tên, Dũng càng luống cuống. Nghe phải chuẩn bị 3 cái bỉm cho mẹ thì Dũng đứng sững như trời trồng. "Có bỉm của mẹ nữa à chị", Dũng vừa hỏi vừa gãi đầu. Mọi người ở hành lang chứng kiến mà phì cười, còn hộ sinh chùng mặt nhăn nhó. Nhìn cảnh bố trẻ non nót lúng túng, ai cũng thương nhiều hơn giận.
Để gỡ rối cho Dũng, một số người xúm lại kéo tay cậu ngồi xuống cùng soạn đồ. Có người thương tình lấy luôn đồ của con mình chia cho đôi vợ chồng trẻ một ít. Dù trước đó Dũng có vẻ rất "trẻ trâu", nhưng khi được hộ sinh gọi tên để nhận con, cậu đã mếu máo rồi khóc òa lên.
Khóc mếu với kiêng cữ
Hai ngày hai đêm "bị quần" lên bờ xuống ruộng với những cơn gò dồn dập nhưng vợ tôi vẫn chưa đẻ. Sang đến ngày thứ ba, cơn gò liên tục hơn, quằn quại hơn... "Chưa đâu, mới mở được ba phân rưỡi", một hộ sinh tên Nhi nói. Vợ tôi tiếp tục lê lết về phòng chờ, vật vạ với cơn đau.
Đêm thứ ba ở viện, vợ liên tục van xin, thúc giục tôi đi đăng ký đẻ mổ. Cơn đau dài ngày khiến cô ấy kiệt sức. Nóng ruột, nhiều bà mẹ đi nuôi con đẻ có mặt trong phòng cũng bắt đầu chỉ tôi cách. Họ nói muốn vợ đẻ nhanh, đẻ khỏe thì... chồng phải tránh đi. Tốt nhất lúc ấy tôi nên về nhà, tắm rửa rồi đi đâu đó chơi.
"Con ở đây không tốt đâu, về nhà tắm rửa cho mát mẻ là vợ đẻ ngay. Không tin à, thử đi biết liền", bà Hương thủ thỉ nói.
Có một thực tế mà chỉ tôi và các bác sĩ, hộ sinh ở đó biết về trường hợp của vợ mình. Không phải bác sĩ không muốn tiến hành sinh mổ, chỉ vì men gan cô ấy đang cao gấp 10 lần bình thường.
Quá trình mổ xẻ khó nói trước, nên đẻ thường được ưu tiên... Cuối cùng ca mổ cũng được tiến hành, ThS.BS Đinh Thị Phương Minh là người trực tiếp mổ. Lạy Trời Phật, tổ tiên, em bé và mẹ đều bình an.
Khoảng 10 tiếng sau, hai mẹ con được đưa về phòng hậu sản - căn phòng "sóng gió" nhất của cánh trai trẻ đưa vợ đi đẻ. Ngoài việc phải "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", hạn chế tiếng động để em bé đỡ giật mình thì những ông bố cũng khóc mếu với cách kiêng cữ của các bà.
Một số bà cho rằng việc đàn ông con trai chăm vợ, chăm con sơ sinh là không nên. Ngoài đây là chuyện của phụ nữ thì việc gần gũi vợ con khi họ mới sinh sẽ "hút hết sinh khí, khiến người vợ ốm yếu, con khóc quấy". Chưa hết, họ xem việc cánh đàn ông chăm non, giúp vợ thay bỉm tã hậu sản sẽ mang đến xui xẻo.
Tất nhiên cánh trai trẻ như tụi tôi yêu vợ thương con phải "bật" lại mẹ, "vợ con con thì con lo, chớ để thằng nào lo giờ".
Có bà còn bắt con gái, tức người mẹ mới sinh, không được đánh răng, ít uống nước; dĩ nhiên việc tắm gội, giặt giũ lại càng không.
Và trước những kiêng cữ có phần quá bảo thủ, không thiếu cảnh những ông chồng trẻ "bật" lại mẹ vợ, mẹ ruột của mình.
"Thời mô rồi mà còn tin mấy chuyện đó. Trời nóng 39 - 40oC mà cấm nằm điều hòa, nào là sức khỏe sẽ yếu, con sẽ đau, sau này sẽ đau mỏi xương khớp. Thời trước nghèo quá, không có điều hòa nên mới vậy", anh Hòa đi chăm vợ đẻ tâm sự mà như mếu.
'Sao mẹ hôm nay lạ quá! Chẳng thấy nháy mắt gì', em bé said.