Tử vong, nguy kịch khi chạy bộ
Ngày 15-10 vừa qua, một người dân tại quận Tây Hồ, Hà Nội bất ngờ ngã quỵ khi đang chạy bộ tập thể dục. Mặc dù được các bác sĩ cấp cứu nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Mới đây, Bệnh viện E lại tiếp nhận nam thanh niên 37 tuổi nhập viện cấp cứu khi đang tham gia một giải chạy phong trào.
Bệnh nhân là anh N.M.H., trong lúc đang tham gia giải chạy bộ phong trào, anh H. thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu, được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy, sau đó chuyển tới Bệnh viện E.
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Phong - phó trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E, anh H. nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt.
"Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa của cơ thể). Bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định điều trị tích cực, lọc máu. Hai tuần sau, tình trạng bệnh nhân cải thiện, có nước tiểu", bác sĩ Phong thông tin.
Anh H. chia sẻ bản thân anh có tiền sử khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể thao. Tuy nhiên, trước giải chạy ba ngày, bệnh nhân có bị sốt. Hết sốt, anh H. nghĩ mình đã khỏe nên tham gia giải chạy. Các bác sĩ cho rằng đây là sai lầm của bệnh nhân và rất nhiều người đang mắc phải đã vô tình gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Phong, mỗi năm bệnh viện đều tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Trường hợp như anh H. cũng không phải hiếm gặp.
Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Ai cần cẩn trọng khi chạy bộ?
Theo PGS.TS Võ Tường Kha - Bệnh viện Thể thao Việt Nam, thực tế trên thế giới hay tại Việt Nam không hiếm những trường hợp tử vong trên đường chạy. Trong đó, trường hợp đột tử ở người trẻ sau khi gắng sức do hai nguyên nhân chính là đột quỵ tim và đột quỵ não.
"Những trường hợp này nhìn bề ngoài trông khỏe mạnh nhưng có thể có bệnh lý tiềm ẩn. Họ có thể mắc các bệnh bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não... Những tình trạng này không gây ra các triệu chứng khi một người hoạt động bình thường nên chúng thường không được phát hiện.
Tuy nhiên, khi họ hoạt động với lượng vận động quá lớn, vượt ngưỡng của tim, mạch, hô hấp… dẫn đến biến chứng.
Hậu quả là gây vỡ mạch, thiếu máu (dinh dưỡng, oxy) cho cơ tim, cho não để duy trì hoạt động, ngừng tim đột ngột và tử vong", PGS Kha thông tin.
Một số người cũng có thể có dị dạng ở mạch máu não hoặc có bệnh mãn tính chưa điều trị khỏi. Khi tập luyện cường độ cao, kéo dài gây cường giao cảm, dẫn tới co mạch, tăng huyết áp, gây co thắt mạch não, vỡ điểm yếu (phình) mạch não hoặc làm cơ thể bị quá sức, quá tải dẫn đến những biến cố, đột tử không mong muốn.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, chuyên gia khuyến cáo trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực.
Theo bác sĩ Phong, thời gian gần đây có nhiều giải chạy phong trào với sự tham gia đông đảo, thậm chí hàng chục nghìn người.
"Chạy thể dục, thể thao tốt cho sức khỏe nhưng việc chạy cần phù hợp với sức khỏe của mình, không cố chạy gắng sức để đạt mục tiêu của bản thân mà quên đi thể lực hiện tại. Trước mỗi cuộc chạy, bạn cần chuẩn bị tập luyện thật kỹ càng, nâng dần dần độ khó.
Khi tập thể lực, bạn cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ, bạn cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp", bác sĩ Phong khuyến cáo.
Không chỉ ngồi một chỗ trong thời gian dài khiến tê chân hoặc có cảm giác như kiến bò ở lòng bàn chân, mà ngay cả khi chúng ta chơi thể thao cũng gặp tình trạng này. Nhiều người chưa rõ lý do vì sao?