Ngày 21-10, nhiều người đến Lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt Nam 2023" đang diễn ra từ đây đến ngày 22-10, tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP.HCM, cho biết họ cảm giác như đi vào một hội chợ, chứ không phải dự lễ hội. Bởi vì các không gian trải nghiệm ở đây rất mờ nhạt, quầy bán hàng các món ăn đông đúc, nhưng giá bán các món ăn cũng khá cao, làm giảm đi nhu cầu trải nghiệm. Trong không gian chật hẹp, phía dưới sân cỏ nhem nhuốc nước dù mới buổi sáng, rác cũng vương vãi khắp nơi do nhân viên chưa kịp dọn dẹp.
Chị Hồng Nhung, Việt kiều Mỹ, dẫn con nhỏ đến lễ hội với kỳ vọng bé sẽ có dịp cảm nhận cách chế biến, hiểu hơn cách thưởng thức một số món ăn Việt Nam. Nhưng bước vào là không gian chật chội, gian hàng sắp xếp rất khó tham quan.
Chưa kể, dù quảng cáo giới thiệu về "Rạng danh ẩm thực Việt Nam" nhưng các món ăn truyền thống như phở, bún, hủ tiếu thì giá cao, chất lượng không tương xứng trong khi các món chiên, nướng lại chiếm đa số.
"Tôi nghĩ cá viên chiên cũng không thể đại diện ẩm thực Việt Nam để "làm rạng danh", nhưng đây là món dễ tìm thấy ở đây nhất", chị Hồng Nhung chia sẻ.
Với mục tiêu thu hút khách du lịch, lễ hội chọn vị trí ngay trung tâm thành phố. Nhưng cũng vì nằm trong khuôn viên một điểm tham quan có bán vé nên khách du lịch thực sự không dễ được tham gia. Nhiều du khách quốc tế ghé qua đã bị "ngộ nhận" là khách vào tham quan, nên được yêu cầu mua vé hoặc trả lời "hết giờ đóng cửa" sau 18h, nên lượng khách đã bị hạn chế.
Giữ tiếng cho "Bếp ăn của thế giới"
Du lịch ẩm thực được xem là một trong những sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế của du lịch Việt Nam. Vì thế, tổ chức các lễ hội ẩm thực với mục đích "quảng bá du lịch" cần phải được đánh giá kỹ và không nên lạm dụng hay "thương mại hóa" một cách dễ dãi.
Trước đó, Lễ hội bánh mì cũng tạo được tiếng vang nhưng không tránh khỏi những bất cập trong công tác tổ chức và nhanh chóng được ban tổ chức gặp gỡ báo chí, trao đổi kinh nghiệm.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ẩm thực là một trong những sản phẩm du lịch chính của thành phố. Trong đó, những hoạt động, sự kiện tôn vinh, quảng bá sản phẩm du lịch ẩm thực là rất cần thiết. Nhưng một lễ hội đang bị "biến tướng" sang hội chợ ẩm thực vô tình đánh mất đi ý nghĩa cũng kỳ vọng quảng bá du lịch.
"Chúng ta đang nỗ lực để định vị ẩm thực Việt Nam ra thế giới, vì thế các bước đi phải cẩn trọng và tinh tế. Ẩm thực Việt Nam đang có lợi thế được phù hợp với xu hướng ẩm thực của thế giới là ngon, lành và bây giờ chúng ta phải xây dựng một hình ảnh an toàn, chuẩn chỉnh đến công chúng.
Và khẩu hiệu "Bếp ăn của thế giới" không thể được xây dựng từ những hội chợ xô bồ, mà cần được đầu tư xứng tầm hơn", một doanh nghiệp du lịch chia sẻ.
Ban tổ chức quảng cáo những gì?
Lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt Nam 2023" đang diễn ra từ đây đến ngày 22-10 tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP.HCM. Điểm nhấn của sự kiện chính là hàng trăm đầu bếp sẽ trổ tài thi và tô điểm Bản đồ ẩm thực Việt Nam với 126 món ăn đặc trưng từ 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Trong khuôn viên lễ hội, lần đầu tiên trưng bày một bản đồ ẩm thực với đầy đủ những sản phẩm độc đáo, đặc sắc của ẩm thực các vùng miền trên cả nước. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như: giới thiệu các món ngon đặc sắc của các địa phương ba miền, biểu diễn món ăn, dạy nấu ăn, giao lưu cùng với đầu bếp…
Không gian trưng bày hình ảnh các đầu bếp, các nghệ nhân đã đạt thành tích trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế, các đầu bếp nổi tiếng.
Đó là lời giới thiệu của ban tổ chức. Công chúng đến lễ hội đã không tìm được những không khí ấy.
Một số tin tức đáng chú ý: 21 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phát điện 709,5 triệu kWh; Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; Nhiều kỷ lục được xác lập tại lễ hội về ẩm thực ở TP.HCM...