Sau tuần giao dịch phục hồi tốt trước đó, VN-Index đã trải qua tuần giao dịch không mấy tích cực khi chịu áp lực bán từ vùng kháng cự quanh 1.160 điểm về vùng giá 1.070 - 1.080 điểm và chỉ mới phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc tuần giao dịch từ 16 - 20/10, VN-Index ở mức 1.108,03 điểm, giảm 46,7 điểm (-4,04%) so với tuần trước và vượt lên lại mức giá thấp nhất ngày 4/10/2023. HNX-Index có diễn biến tương tự khi kết thúc tuần ở mức 239,05 điểm, giảm 10,6 điểm (-4,43%) so với tuần trước. UPCoM-Index cũng giảm 2,28 điểm (-2,59%) xuống 85,62 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 18.486 tỷ đồng/phiên, tăng 12,5%, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân tăng 10,1% lên mức 16.883 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin. Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu đã lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.
Ngày 19/10/2023 là ngày đáo hạn của lô tín phiếu đầu tiên trong đợt phát hành bắt đầu từ giữa tháng 9. Theo đó, với kỳ hạn 28 ngày, 9.995 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước rút ra khỏi hệ thống qua kênh tín phiếu vào phiên 21/9/2023 sẽ được bơm trả.
Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.
Với việc thị trường đảo chiều đi xuống trong tuần qua thì đa phần các nhóm ngành cổ phiếu đều biến động tiêu cực. Tại nhóm bất động sản, dù có sự hồi phục rất tốt ở phiên cuối tuần nhưng tính tổng thể cả tuần vẫn có đến 95/125 cổ phiếu giảm giá, trong khi đó, số mã tăng chỉ vỏn vẹn 15.
Đứng đầu danh sách giảm giá là cổ phiếu PV2 của CTCP Đầu tư PV2 với mức giảm gần 19%. Theo báo cáo tài chính (BCTC) mới công bố, PV2 có quý thứ 9 liên tiếp không ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính nên đơn vị này vẫn lãi hơn 3,3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 2,2 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, PV2 lãi sau thuế 11,5 tỷ đồng.
DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng gây chú ý khi giảm hơn 14%. Trong tuần, DIG ghi nhận 2 phiên giảm sàn và chỉ chịu hồi phục tăng trần trở lại ở phiên cuối tuần.
Tại cuộc họp thường kỳ đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh quý III/2023, triển khai công việc tháng 10 và đầu quý IV/2023, Tổng Giám đốc DIC Corp cho biết, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên City với quy mô 191ha tại tỉnh Vĩnh Phúc đang có những chuyển biến tích cực về mặt pháp lý. Đây được xem là dự án trọng điểm của DIC Corp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 23.256 tỷ đồng.
Cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận mức giảm gần 10%. Trong tuần, PDR có một số thông tin đáng chú ý. HĐQT công ty bổ nhiệm ông Phan Lê Hòa giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc kể từ ngày 1/9/2023. Theo giới thiệu trên LinkedIn, trước khi gia nhập Phát Đạt, ông Hòa từng có thời gian làm việc tại nhiều doanh nghiệp bất động sản như Novaland, Hưng Thịnh Land... và một số quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Theo BCTC mới công bố, doanh thu của PDR tăng từ 11 tỷ lên 355 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh, chưa tới 600 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số là 1.249 tỷ đồng - khoản doanh thu đột biến từ việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Địa ốc SG-KL - chủ đầu tư dự án Astral City tại Bình Dương. Công ty lãi sau thuế 102 tỷ đồng trong quý III, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước.
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sau giai đoạn giữ giá tốt thì đến tuần qua cũng có sự điều chỉnh đi xuống cùng thị trường chung. Trong đó, DTD của CTCP Đầu tư Phát triển Thành Đạt giảm đến 16,4%. Theo công bố mới đây, 31/10/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới).
Bên cạnh đó, SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG cũng giảm gần 15%, LHG của CTCP Long Hậu giảm 10,8%, cặp đôi ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm lần lượt 9% và 8,7%.
TIP của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa dù báo cáo kết quả kinh doanh quý III khả quan nhưng vẫn ghi nhận một tuần giao dịch tiêu cực với mức giảm 7,7%. Doanh thu đạt 40,43 tỷ đồng, giảm 59,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 69,4 tỷ đồng, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 50%, lên 52,9%. Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa ghi nhận doanh thu đạt 110,21 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 96,24 tỷ đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, đa số các cổ phiếu bất động sản tăng giá trong tuần qua đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. BIG của CTCP Big Invest Group tăng mạnh nhất với gần 15%. Tiếp sau đó, BVL của CTCP BV Land cũng tăng 14%.
TLD của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long là mã hiếm hoi trong danh sách tăng giá có thanh khoản tốt. Cổ phiếu này ghi nhận mức tăng hơn 10%.
Tại nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu “họ Vin” gồm VHM của CTCP Vinhomes, VIC của Tập đoàn Vingroup và VRE của CTCP Vincom Retail đều giảm giá. Hội đồng quản trị Vinhomes vừa thông qua 3 nghị quyết về phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức riêng lẻ. Các trái phiếu được phát hành theo phương thức bảo lãnh, có kỳ hạn tối đa 24 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản. Theo Vinhomes, số tiền thu về từ 3 đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cơ cấu lại nợ.
Thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy là vận động phù hợp
Theo báo cáo phân tích thị trường tuần 16 - 20/10 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), về tình hình vĩ mô, giá dầu thế giới tiếp tục đà tăng do chiến sự tại Israel gia tăng căng thẳng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed tuần qua cho biết sẽ vẫn kiên định với mục tiêu hạ lạm phát xuống mức 2%, cho thấy mặt bằng lãi suất tại Mỹ sẽ còn duy trì ở mức cao và chưa biết khi nào sẽ giảm. Hiện tại, nhiều ý kiến đang ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới của Fed.
Ở trong nước tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm quy mô phát hành tín phiếu xuống còn 55.900 tỷ đồng (tuần trước đó là 65.000 tỷ đồng) và có 20.000 tỷ đồng đã đến hạn, quay trở lại hệ thống.
Nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Theo đó, ngoài nhóm ngành chứng khoán hầu hết đều ghi nhận sự tích cực thì các doanh nghiệp trong các nhóm ngành khác đều ghi nhận sự phân hóa.
Nhìn chung trong bối cảnh đó, việc thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy là vận động phù hợp.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, trái với kỳ vọng rằng đà phục hồi có thể được duy trì sang tuần thứ 2 liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp ghi nhận 4 phiên điều chỉnh mạnh trong tuần qua và chỉ phục hồi một phần trong phiên giao dịch ngày thứ 6.
Đà bán mạnh thường bất ngờ xuất hiện trong phiên buổi chiều làm nhà đầu tư trở tay không kịp và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường. Điều này có thể là do hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin của một số bên cho vay. Do đó, cần quan sát thêm tác động của diễn biến này tới xu thế thị trường trong những phiên tới.
Điểm tích cực xuất hiện trong phiên cuối tuần đó là đã bắt đầu le lói những thông tin hỗ trợ cho tỷ giá. Cụ thể, trong bài phát biểu về chính sách tiền tệ mới đây, Chủ tịch Fed đã phát đi tín hiệu có thể tiếp tục dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào đầu tháng 11. Điều này có thể kìm lại đà tăng mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, việc VPBank hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC với quy mô 1,5 tỷ USD sẽ góp phần bổ sung nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời, động thái mua ròng liên tục của khối ngoại trong những phiên giảm điểm tuần qua cũng là yếu tố hỗ trợ đáng chú ý cho thị trường.
SHS đánh giá, thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo nhưng có khả năng hình thành đáy W nếu tuần tới VN-Index tiếp tục hồi phục.
Nếu đà hồi phục tiếp diễn, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tham gia giải ngân với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn, thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.
Xem thêm: lmth.07132000042210202-01-02-61-naut-gnort-ohk-pag-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer