Trong báo cáo giá dầu của tháng 10-2023, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo các căng thẳng ở Trung Đông, khu vực chiếm đến 1/3 giao thương dầu mỏ bằng đường biển toàn cầu, đang khiến thị trường lo lắng. Một số chuyên gia đã lo ngại dầu có thể quay trở lại mốc 100 USD/thùng, thậm chí lên đến 140 USD/thùng.
Lịch sử có lặp lại?
Giá dầu đã vượt mốc 90 USD/thùng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel ngày 7-10 và sau đó là các đợt phản đòn của Tel Aviv vào Gaza. Dù cả Israel hay Palestine đều không phải là những nước mạnh về sản xuất dầu, giới phân tích lo sợ cuộc chiến sẽ lan rộng ra Trung Đông và ảnh hưởng đến các ông lớn dầu mỏ tại khu vực như Iran.
Tình hình đang căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tính chi thêm hàng tỉ USD giúp Israel và Tel Aviv đang chuẩn bị đổ bộ vào Gaza, còn Iran vận động thế giới Hồi giáo, Ả Rập chống lại Israel. Đã có lo ngại Tehran nhắm vào các tuyến vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz nếu Mỹ siết cấm vận kinh tế nước này. Hoặc các nước giàu dầu mỏ khác như Qatar có thể siết xuất khẩu dầu để phản ứng việc Israel tấn công vào Gaza.
Ngày 20-10, nỗi sợ tiếp tục khiến giá dầu đi lên, trong đó dầu tại sàn giao dịch Mỹ tăng 1,2% lên 90,4 USD/thùng, còn dầu Brent lên mức 93,2 USD/thùng, tăng 0,9% so với ngày trước đó, theo Hãng tin Reuters. Tin tức Mỹ nới trừng phạt dầu mỏ với Venezuela chỉ giúp xoa dịu giá dầu trong chốc lát vào đầu tuần này.
Giá dầu phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung. Vụ xung đột Israel - Hamas diễn ra trong lúc tình hình không mấy khả quan về thị trường dầu mỏ, vốn đang căng thẳng do Saudi Arabia, Nga cắt giảm sản lượng hồi tháng trước trong khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh, phần lớn từ Trung Quốc.
IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong thời gian tới, tăng 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước, tức tổng nhu cầu trung bình là 101,9 triệu thùng/ngày, một kỷ lục mới.
Nhu cầu dầu trong năm 2024 sẽ vẫn giữ ở mức khoảng 102 triệu thùng/ngày, không tăng do đà hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19 chậm lại. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Tình hình căng thẳng đến mức đã có những ý kiến lo ngại về kịch bản khủng hoảng vào năm 1973 khi các nước Ả Rập tấn công Israel. Khi đó, Saudi Arabia cấm vận dầu mỏ các nước ủng hộ Israel như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, khiến giá dầu tăng hơn 300%.
Kịch bản để ngỏ
Theo giới phân tích, giá dầu có nguy cơ tăng đột biến nếu xung đột Israel - Hamas có dấu hiệu leo thang. "Cuộc xung đột có thể đè nặng hơn nữa lên nguồn cung dầu toàn cầu theo thời gian do có nguy cơ làm giảm khả năng bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Israel, gây ra rủi ro suy giảm sản xuất dầu của Iran, dẫn đến giá dầu tăng cao hơn nữa", chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định.
Trong kịch bản chiến tranh lan rộng, eo biển Hormuz, nơi hơn 20 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu đi qua mỗi ngày, có thể bị đóng. "Kịch bản này gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu và có thể đẩy giá dầu lên mức trên 100 USD/thùng", Hãng tin AFP dẫn lời nhà phân tích Ricardo Evangelista của Công ty ActivTrades (Anh) nhận định.
Thậm chí, chuyên gia Ana Boata của Công ty Allianz Trade lo ngại giá dầu có thể chạm đỉnh 140 USD/thùng và leo lên mức giá trung bình 120 USD/thùng vào năm sau.
Đến nay, khả năng Iran và các đồng minh nhảy vào xung đột vẫn còn là điều chưa rõ và khả năng xảy ra các kịch bản khác vẫn còn thấp. Trong báo cáo tuần trước, IAE cho biết cuộc xung đột đến nay chưa tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu.
"Xung đột hiện tại được coi là một cuộc khủng hoảng có thể quản lý được, không phải là một cuộc khủng hoảng kiểu những năm 1970", ông Dan Pickering, người đứng đầu Công ty tư vấn Pickering Energy Partners có trụ sở tại Houston (Mỹ), nhận định trên Financial Times.
Ông Rob Thummel, quản lý cấp cao của Công ty Tortoise Capital, cũng đồng tình rằng giá dầu sẽ không biến động quá lớn nếu eo biển Hormuz không bị ảnh hưởng.
Trên chính trường, đây cũng là ván cờ đầy rủi ro. Chính quyền tổng thống Mỹ sẽ không đánh liều làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dầu, nhất là trước thời điểm bầu cử vào năm 2024. "Các mục tiêu chính sách (của Mỹ) không nhắm đến dòng chảy dầu mỏ của Nga ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine ở đỉnh điểm, chúng tôi không cho rằng xuất khẩu dầu của Iran sẽ bị hạn chế", các nhà phân tích của Công ty dịch vụ tài chính Macquarie đánh giá.
Thậm chí trong kịch bản tệ nhất là OPEC cấm vận dầu mỏ với Israel, các nguồn dầu từ Mỹ hay Brazil có thể lấp vào chỗ trống.
"Đó sẽ là một động thái liều lĩnh, không thay đổi bất cứ điều gì và sẽ gửi một thông điệp tới phần còn lại của thế giới rằng các nhà sản xuất OPEC+ không phải là nguồn dầu ổn định, đó chính xác là thông điệp mà họ không muốn gửi đi", chuyên gia Ellen R.Wald nói. Đối với Saudi Arabia, việc giá dầu tăng đến mức đẩy các nước tiêu thụ dầu vào suy thoái cũng là bước đi cần cân nhắc kỹ càng.
Hệ lụy kinh tế
Sự biến động của giá dầu sẽ kéo theo các hệ lụy khác đối với các nền kinh tế như leo thang lạm phát, tăng trưởng chậm. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính nếu giá dầu tăng liên tục 10% sẽ làm giảm 0,15 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng thêm 0,4 điểm lạm phát trong năm tiếp theo.
Trên thị trường, giá một thùng dầu thô hiện cao hơn khoảng 10% so với trước cuộc tấn công của Hamas. Nếu giá dầu chạm đỉnh 140 hay thậm chí 150 USD/thùng, lạm phát có thể tăng lên mức hai con số ở Mỹ và châu Âu. Mối đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và khởi động lại các chương trình nới lỏng định lượng.
Thị trường năng lượng thế giới đang phải chịu một đợt gián đoạn nguồn cung khiến giá dầu tăng cao, khi quốc gia thành viên OPEC là Libya đang trải qua đợt lũ lụt chưa từng có.