Giá heo hơi diễn biến trái chiều
Ghi nhận ngày 22/10, ở khu vực phía Nam, giá heo hơi chủ yếu giảm, mặc dù vẫn neo mức cao nhất cả nước là 53.000 đồng/kg. Theo đó, các tỉnh thành gồm Tp.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Trà Vinh cùng giảm 2.000 đồng/kg, hiện giá giao dịch nằm trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Tháp và Đồng Nai sau khi giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg là 48.000 - 49.000 đồng/kg, tùy khu vực. Trong khi đó, Kiên Giang và Sóc Trăng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, tương ứng ở mức 49.000 đồng/kg và 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi khu vực miền Nam ngày 22/10 dao động trong khoảng 48.000 - 53.000 đồng/kg. Các thương lái thu mua heo ở miền Nam cho biết, giá heo giảm sâu do nguồn cung tăng mạnh. Trước đó, hồi tháng 7 âm lịch, nhiều hộ có tâm lý chờ giá nên đợt này phải bán heo quá trọng lượng ra thị trường ồ ạt.
Báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn, Tp.HCM công bố giữa tháng 10/2023 cũng cho thấy, sản lượng heo về chợ tăng đột biến lên gần 5.634 con, tăng gần 600 con so với tháng trước. Vì nguồn heo trên thị trường khá dồi dào nhưng sức mua vẫn chưa tăng mạnh trở lại nên giá heo hơi liên tục giảm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, thông thường thời điểm này các cơ sở tăng nhập heo chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nên giá thường tăng. Tuy nhiên, năm nay nghịch lý ở chỗ giá liên tục giảm mạnh. Bởi lẽ, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên nhiều hộ chăn nuôi lo sợ lây nhiễm đã đồng loạt bán ra, gây áp lực lên giá bán.
“Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ 200.000-300.000 đồng một con heo. Hiện nay, giá thành nuôi heo khá cao, chỉ khi heo hơi bán ra ở mức 55.000-60.000 đồng một kg, nông dân mới có lời", ông Công phân tích.
Về thị trường thịt heo Tết, ông Công dự đoán, nguồn cung dồi dào dù nhu cầu nuôi heo trong dân giảm. Hiện, các doanh nghiệp chăn nuôi heo đều tăng sản lượng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Nông dân Lê Thanh Hùng, chủ trang trại chăn nuôi quy mô 300 con, ngụ tỉnh Đăk Lắk cho biết, mặc dù đã cân đối mọi chi phí từ con giống tới thức ăn chăn nuôi nhưng lứa heo xuất chuồng đầu tháng 10 đã khiến ông Hùng lỗ 300.000 đồng/con. Với 100 con xuất chuồng, ông Hùng lỗ 30 triệu đồng.
Tương tự, ông Trần Văn Long - chủ trại heo ở Long An cho hay, với mức giá 53.000 đồng/kg thì gia đình ông lỗ 200.000 đồng/con. Nhẩm tính với 200 con heo xuất chuồng, đợt này ông Long sẽ lỗ khoảng 40 triệu đồng.
Khoanh vùng, kiểm soát dịch tả lợn
Là địa phương có tổng đàn nuôi heo lớn nhất cả nước, Đồng Nai đối mặt nhiều khó khăn khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Xuân Lộc hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Ông Lại Văn Đôn, Trưởng trạm Chăn nuôi - thú y huyện Xuân Lộc cho biết, khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại cơ sở thu mua heo Lương Hữu Điền, trạm đã thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, yêu cầu cơ sở phải thực hiện cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và không giết mổ, mua bán hay vứt động vật mắc bệnh,... ra môi trường.
Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, khó khăn hiện nay là tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, người chăn nuôi chưa áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cộng với khi có dịch bệnh xảy ra người dân không chủ động khai báo, tự xử lý hoặc bán chạy, nên nguy cơ phát sinh dịch trên địa bàn cao.
Báo cáo công bố giữa tháng 10/2023 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, khiến giá lợn liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây.
Trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã tiêu hủy hơn 34.000 con lợn do nhiễm dịch tả châu Phi khi phát sinh 343 ổ dịch tại 38 tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 73 ổ dịch thuộc 40 huyện của 14 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Các tỉnh thành như Nghệ An, Hà Giang, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Đắk Lắk… đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại các xã, thị trấn, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại chủ yếu là do công tác quản lý và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa được chú trọng.
Theo ông Long, đến nay Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức triển khai đúng nội dung theo sự chỉ đạo về chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã chính thức cho phép sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng các địa phương chưa đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm phòng.
“Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt là những nơi phát triển về chăn nuôi không quan tâm, không triển khai có hiệu quả kịp thời các giải pháp mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra”, ông Long nói.
Giá thịt heo điều chỉnh ra sao?
Tại Tp.HCM, giá heo hơi giảm nhưng giá thịt tại các chợ lẻ vẫn không có nhiều thay đổi. Ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), giá thịt ba rọi vẫn ở mức 120.000-140.000 đồng/kg, thịt nạc từ 110.000-115.000 đồng/kg, sườn non 160.000 đồng/kg…
Còn tại các siêu thị ở Tp.HCM, giá thịt heo ở mức thấp hơn nhờ các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích sức mua. Bên cạnh đó, Sở Tài chính Tp.HCM cũng điều chỉnh giá các mặt hàng thịt heo bình ổn ở mức thấp hơn các mặt hàng cùng loại trên thị trường từ 5-30% từ giữa tháng 10/2023.