Sắn nước, như đã biết chỉ là một thứ ăn chơi cho vui. Mát mát nhưng lạt lẽo bởi phải chấm với muối cho có chút mằn mặn khi ăn. Nhưng qua tài chế biến của má chồng tôi đã trở thành những món ngon như: xào với tôm hoặc thịt hoặc xào không điểm thêm chút hành ngò, để ngó cho tươi cặp mắt.
Rồi um với thịt ba chỉ hoặc um củ sắn cùng… củ sắn, rải chút hành ngò cho bớt đơn điệu. Mà không, củ sắn xắt dài trộn với xà lách cùng các loại rau thơm sẽ có được một đĩa rau sống nhiều sắc màu, mùi vị.
Nhưng trong tất cả, tài đứng bếp của má chồng tôi bỗng vượt trội hẳn với món sắn um mắm cua. Trúng vô mùa sắn nước, cua đồng đã sẵn mà lại hay mưa, rất phù hợp để thưởng thức món này. Má vốn lạt lòng nên lũ chúng tôi tha hồ mà chắp hít. Má luôn nói củ sắn sạch và rẻ mắc gì ngó lơ, uổng dữ trời!
Chắc vậy, nên mấy năm còn đi chợ và nấu ăn được má thường tận dụng củ sắn, tối đa, trong mâm cơm ngày bữa. Rồi má yếu mệt… Thì cũng là củ sắn và tôi, có khi làm món này có hồi làm thứ khác chứ mà tùy hứng nên, sao đặc sắc như má cho được.
***
Mùa sắn nước cũng trùng mùa kiệu và ở nhà tôi vào khoảng này luôn có món sắn muối chua. Nói tới kiệu là mường tượng ngay, ngày Tết với miếng bánh tét ăn kèm cùng kiệu mặn. Hay chung rượu Bàu Đá như ngót đằm hơn, khi được thưởng thức cùng với kiệu giầm chua.
Món này, khác biệt với kiệu muối chua cùng củ sắn của má bởi còn có cả sắn và số lượng luôn nhiều gấp ba bốn lần kiệu.
Nếu như ở cải muối chua, không thể thiếu được hành vì lẽ không thơm đó là có thể bị khú. Thì ở món sắn nước muối chua, kiệu sẽ thay cho hành và thơm ngon chẳng kém. Thường kiệu có thể muối để ăn lâu hoặc ăn xổi. Và có thể muối chỉ có củ không hoặc muối cả lá lẫn củ. Đây, má tôi lấy hết và biểu là tổng hợp, còn mấy anh em tôi lại kêu là "món chua tập tàng".
Kiệu lâu chua, nên luôn được muối trước một hai ngày, rồi tiếp đó là sắn nước xắt nhỏ và giá sống bỏ sau cùng. Tất cả được rửa sạch để cho ráo rồi đem trộn đều với kiệu. Chừng vài tiếng sau là đã đủ thẩm thấu, đó là với củ sắn chứ giá, trộn đâu ăn đó.
Còn nhớ hồi trước, nhà mười lăm mười sáu con người ta mà cuộc sống nhiều khó khăn. Đã vậy, thằng út lại hay kéo bạn về cho mâm ăn thêm rậm. Ăn cứ như thể ăn hùa nên cần lắm thứ này. Một bữa cơm tiêu tốn hàng mấy đĩa chua tập tàng nên hai má con ngồi làm bắt mỏi lưng. Khạp này gần hết phải lo gấp khạp khác mới kịp cho nhà có ăn.
Sau khi các em có gia đình và ra riêng, tôi có muối cũng chừng một thẩu nhỏ và sợ chua quá, phải bỏ tủ lạnh để ăn dần. Đó là khi má chưa đi xa và vô mùa, vẫn thường nhắc… Giờ, nghĩ ăn không bao nhiêu mà làm công kỹ nên thôi vậy.
Còn nhớ những năm đó, cái cảm giác nhà có khạp chua tập tàng mới an tâm sao đâu! Không có tiền đi chợ, chỉ cần chén nước chấm là từ đĩa lớn tới đĩa nhỏ bay vèo vèo. Nửa buổi, giữa giấc khuya lỡ đói bụng mở xoong thấy còn cơm nguội, để lục. Và mở khạp, thấy vẫn còn đồ muối chua, để ăn, là người nó nhẹ bẫng đi vậy đó!
Những bữa ăn với duy nhất là món chua tập tàng. Nhắc tới đây lòng lại thêm thắc thỏm.
TTO - Những ngày giãn cách toàn xã hội, bữa cơm quê ở miệt đồng không câu nệ cầu kỳ, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, khẩu vị của từng người trong gia đình trong thời gian “buộc chân bó gối”.