Tại Quảng Trị, có hàng chục trụ sở công sản rơi vào tình cảnh bỏ hoang, khiến người dân địa phương không ngần ngại gọi là... trụ sở "ma".
NHỨC MẮT NHỮNG TRỤ SỞ BỎ HOANG
Những trụ sở công sản bị bỏ hoang ở Quảng Trị đều có đặc điểm chung: nằm ở những vị trí đắc địa (thậm chí là khu vực đất "vàng"), không được sử dụng trong một thời gian dài, chưa biết tương lai sẽ ra sao... Đặc biệt, các trụ sở "ma" này tạo nên hình ảnh rất xốn mắt và biểu hiện của tình trạng lãng phí, nhất là khi tại địa phương này có một số cơ quan, đơn vị đang thiếu hụt chỗ làm việc hoặc phải làm việc trong tình cảnh chật chội do thiếu kinh phí xây dựng.
Tại TP.Đông Hà, tỉnh lỵ Quảng Trị, những công sản làm tốn nhiều giấy mực của báo giới phải kể đến trụ sở cũ của TAND TP.Đông Hà (nằm ngay ngã tư đường Điện Biên Phủ và đường Hùng Vương nối dài), trụ sở cũ của Sở GD-ĐT (ở đường Tạ Quang Bửu)… Tình hình hiện tại của những khối nhà này hết sức hoang tàn. Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, trụ sở cũ của Sở GD-ĐT từng được trưng dụng làm nơi cách ly. Trụ sở cũ của TAND TP.Đông Hà kể từ khi cơ quan chuyển đi nơi khác vào năm 2015 thì không ai lui tới.
Tại H.Triệu Phong, các nhà công sản cũ, bỏ hoang nằm quanh khu vực TT.Ái Tử. Ngay mặt tiền QL1 là trụ sở cũ của Kho bạc Nhà nước huyện, rệu rã như một… chiếc răng sắp rụng với cổng gỉ sét, những mảng tường đen sì. Trên đường Nguyễn Hoàng, có 2 công trình liền kề gồm Nhà khách UBND huyện và Nhà thiếu nhi huyện (cũ) cũng đang trơ gan cùng tuế nguyệt.
Ra phía bắc, tại H.Gio Linh, dọc theo QL1 cũng có hàng loạt trụ sở cũ bỏ hoang. Trong đó, có một phần trụ sở Công an huyện, Nhà khách UBND huyện, Phòng Nội vụ, Phòng LĐ-TB-XH, TAND huyện, Ủy ban MTTQ VN huyện, Kho bạc Nhà nước huyện. Tất cả đều là những khối nhà cũ kỹ. Ngay cả vào ban ngày, khi bước vào những trụ sở này để ghi lại hình ảnh, chúng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn. Bởi xung quanh cỏ mọc um tùm, những gì làm bằng sắt thép thì đã han gỉ, những gì được xây tô thì hoặc đổ nát hoặc rêu bám, còn các vật dụng bằng gỗ thì hư hại hoặc mối mọt…
"Tất cả những trụ sở cũ bỏ hoang của H.Gio Linh đều nằm ngay trên QL1, mặt tiền của huyện. Ai ngang qua đều đập vào mắt những trụ sở "ma" kinh khiếp như thế thì sẽ nghĩ gì về sự đổi mới, phát triển của huyện nữa?", ông Lê Quang Linh, một người dân địa phương, chua xót nói.
Tại H.Vĩnh Linh, phía bắc Quảng Trị, tình hình cũng không khá hơn. Các trụ sở cũ đang trong tình trạng bỏ hoang gồm có Nhà thiếu nhi, Chi cục Thuế, Phòng VH-TT, Công an huyện… Tất cả đều ở trung tâm TT.Hồ Xá hoặc nằm trên QL1, các trục đường lớn của thị trấn lớn nhất H.Vĩnh Linh này, đều được xây dựng từ hàng chục năm trước. Chính quyền địa phương thậm chí phải cho gắn bảng cảnh báo người dân để tránh những tình huống tai nạn khi những mảng tường, mái hiên có nguy cơ đổ sụp…
Các trụ sở "ma" chủ yếu do cơ quan, đơn vị đã chuyển đến địa điểm mới, công trình cũ không sử dụng. Cùng với ảnh hưởng của thời tiết và tác động của con người, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản công và mất mỹ quan đô thị.
CHỜ THANH LÝ, ĐẤU GIÁ VÌ... LĨNH VỰC NHẠY CẢM
Theo báo cáo của UBND H.Vĩnh Linh, địa phương này đang quản lý 376 cơ sở nhà đất, rất nhiều trong số đó được xây dựng từ 25 - 30 năm trước. Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh, cho biết UBND huyện đã trình Đề án xử lý cơ sở nhà, đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện. Động thái này nhằm tăng cường công tác quản lý tài sản công, nhất là các cơ sở nhà đất tránh tình trạng sử dụng không đúng mục đích, gây thất thoát, lãng phí. Nguồn kinh phí thu được sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Phan Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND H.Gio Linh, cho biết địa phương sẽ đề nghị UBND tỉnh tổng hợp tất cả những trụ sở thuộc quản lý của ngành dọc như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và đề nghị các bộ, liên bộ có hướng giải quyết. Ông Hòa cho rằng đừng để tình trạng này tiếp tục kéo dài, để địa phương có quỹ đất đầu tư xây dựng các trụ sở đang có nhu cầu cấp thiết.
Theo thống kê của Sở Tài chính Quảng Trị, hiện tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất công sản. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý gần 1.870 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố, chiếm hơn 81% trên tổng số cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Anh Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Trị, cho biết 430 nhà đất công sản đã được Sở rà soát xong phương án và báo cáo UBND tỉnh.
"Theo kế hoạch, hết năm 2023, UBND tỉnh phải ban hành cho được quyết định phê duyệt toàn bộ 430 trụ sở nhà đất này. Tiếp nữa, theo Nghị quyết 74/2022 của Quốc hội, đến trước năm 2025 phải xử lý xong toàn bộ phương án phê duyệt, tức là có bán, có điều chuyển số nhà đất công sản này", ông Phương nói.
Theo phương án của Sở Tài chính trình UBND tỉnh, phần lớn các trụ sở được giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc thu hồi, điều chuyển cho đơn vị khác và 63 trụ sở công sản không có nhu cầu sử dụng được bán thanh lý, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó, nếu bán thanh lý, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải xác định rõ, nguồn thu từ đấu giá các cơ sở nhà đất đó (sẽ sử dụng vào mục đích gì) để phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương đó.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tất cả các trụ sở điều chuyển đơn vị này sang đơn vị khác, sử dụng lại đã phê duyệt xong, chỉ còn "lấn cấn" với những công sản có chủ trương thanh lý, bán đấu giá.
"Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đang yêu cầu Sở Tài chính làm đầu mối để lập các phương án tổng thể từ cơ sở các địa phương báo cáo lên. Từ đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Vì lĩnh vực tài sản công mà thanh lý, đấu giá là rất nhạy cảm, nên phải cẩn trọng", ông Tiến nói. (còn tiếp)